Quản lý việc cấp, mua sắm, sử dụng trang thiết bị dạy học tại các trường học

06:04, 19/04/2022
Trang thiết bị dạy học trường học là một điều kiện góp phần quyết định chất lượng dạy và học. Công tác quản lý về việc cấp, mua sắm và sử dụng ở Lâm Đồng như thế nào trong 3 năm qua…
 
Phòng học tin học tại Trường THCS&THPT Tây Sơn, Đà Lạt
Phòng học tin học tại Trường THCS&THPT Tây Sơn, Đà Lạt
 
•  ĐÃ ĐẦU TƯ GẦN 351 TỶ ĐỒNG 
 
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý đơn vị sự nghiệp công lập gồm các trường có cấp THPT, hai trường chuyên biệt là Trường Khiếm thính, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan và Trường CĐSP. Cấp mầm non, tiểu học, THCS thuộc UBND cấp huyện quản lý. 
 
Về cơ sở vật chất (CSVC), có 8.640 phòng học; 1.477 phòng học bộ môn; 1.007 phòng phục vụ học tập và 1.334 phòng khác. Đối với thiết bị dạy học (TBDH) tối thiểu, TBDH ngoài trời, đánh giá theo danh mục quy định của Bộ GDĐT cụ thể như sau. Cấp mầm non, phòng học, phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật cơ bản đáp ứng; phòng đa năng chưa đáp ứng; thiết bị hoạt động ngoài trời 100% trường, điểm trường có đầy đủ thiết bị, đáp ứng tối thiểu 5 loại thiết bị/trường. Cấp tiểu học, đã cơ đáp ứng được các phòng về âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, còn chưa đáp ứng các phòng về mỹ thuật, khoa học - công nghệ, đa chức năng. Cấp THCS, cơ bản đáp ứng các phòng về tin học, ngoại ngữ; chưa đáp ứng các phòng về âm nhạc, mỹ thuật, đa chức năng; các phòng công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đang chuyển đổi. Cấp THPT, cơ bản đáp ứng các phòng công nghệ, tin học, vật lý/hóa/sinh và chưa đáp ứng các phòng âm nhạc, mỹ thuật, đa chức năng và khoa học xã hội. 
 
Một trong những thực tế đáng lưu ý nhất là hiện nay, các loại thiết bị (bao gồm tài sản cố định và công cụ, dụng cụ khác trong nhà trường) đa số chưa đáp ứng. Sở GDĐT cũng cho biết, vì mua sắm bổ sung theo lộ trình đổi mới theo Chương trình GDPT năm 2018, hiện nay, mới mua sắm được thiết bị lớp 1, lớp 2, lớp 6 và xây dựng bổ sung CSVC theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Dự án mua sắm TBDH tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6 do Sở GDĐT làm chủ đầu tư đến nay như sau: Số trường được đầu tư cấp thiết bị tối thiểu, lớp 1 là 256 trường/1.355 lớp/26.702 học sinh; lớp 2 là 255 trường/1.448 lớp/27.132 học sinh và lớp 6 là 168 trường công lập. 
 
Đáng ghi nhận là không có trường chưa được cấp thiết bị tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Theo Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải, 100% thiết bị được đầu tư đều đưa vào sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, do phải dạy học trực tuyến, đa số các trường chưa triển khai sử dụng hiệu quả. Qua thực hiện việc cấp, mua sắm trang TBDH đối với các trường học công lập trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác tham mưu cho UBND tỉnh và đánh giá thực trạng sát thực là rất quan trọng. Nguồn CSVC, trang TBDH phần lớn đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện. Tổng chi ngân sách Trung ương và tỉnh cho việc mua sắm thiết bị trường học, do Sở GDĐT cấp như sau: Năm 2019 là 67.517 triệu đồng; năm 2020 là 131.720 triệu đồng và năm 2021 là 151.724 triệu đồng. Bên cạnh đó, phong trào tự làm thiết bị dạy học của các nhà trường, cần tích cực phát huy. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận hạn chế, đó là TBDH tối thiểu chủ yếu là công cụ, dụng cụ dễ hỏng nên tỷ lệ đáp ứng chưa cao; dĩ nhiên cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong quá trình sử dụng. 
 
•  ĐẦU TƯ CÙNG PHÁT HUY HIỆU QUẢ LÀ MỐI QUAN TÂM 
 
Cũng theo Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết, việc mua sắm tập trung hàng năm thường kéo dài, đăng ký từ đầu năm (quý I) nhưng đến cuối năm mới có kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng, do đó việc giao nhận tài sản thường vào tháng cuối năm đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu trang bị phương tiện, máy móc thiết bị cần thiết phục vụ việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Mặt khác, danh mục tài sản mua sắm tập trung cần thay đổi phương thức thực hiện việc đăng ký tài sản như đầu năm, Sở Tài chính cần đưa ra nhiều cấu hình máy móc, thiết bị và giá dự kiến để các đơn vị có cơ sở đăng ký phù hợp với nhu cầu vốn, tránh trường hợp khi đấu thầu có cấu hình khác với mong muốn và giá thiết bị cao hơn giá dự kiến làm ảnh hưởng đến số lượng mua sắm của đơn vị. 
 
Những khó khăn và hạn chế mà Sở GDĐT nêu lên đó là, một số đơn vị trực thuộc Sở, Phòng GDĐT chưa quan tâm đúng mức đến công tác lập kế hoạch, dự toán kinh phí cho sửa chữa, bảo trì CSVC, mua sắm trang thiết bị; báo cáo định kỳ theo yêu cầu còn chậm. CSVC trường học theo quy định tại Thông tư 13/2020 của Bộ GDĐT vẫn còn thiếu khá nhiều; một số phòng học xuống cấp cần thay thế; một số trường thiếu quỹ đất để phát triển mở rộng. Nguồn kinh phí dành cho tu sửa, nâng cấp, bảo trì CSVC trường, lớp học còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…Ngân sách địa phương cân đối cho đầu tư công về CSVC cho ngành còn hạn chế, khoảng 500 đến 600 tỷ đồng/năm là chưa đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến việc mua sắm thiết bị tối thiểu cho việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018 đến năm học 2024-2025 kết thúc là không đủ phòng học bộ môn, phòng thiết bị giáo dục để chứa TBDH, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và sử dụng. Việc quản lý, sử dụng CSVC, trang TBDH ở một số trường, điểm trường chưa chặt chẽ, một số trang thiết bị, đồ dùng học tập có giá trị lớn nhưng chưa đẩy mạnh việc sử dụng thiết bị vào công tác dạy và học; việc khai thác hiệu quả, tính năng của trang thiết bị còn hạn chế. Công tác huy động các nguồn lực trong việc đầu tư, mua sắm TBDH; tự làm đồ dùng, TBDH chưa thực sự mạnh... 
 
MINH ĐẠO