Số hóa cơ sở dữ liệu đất đai - vấn đề cấp thiết

06:04, 18/04/2022
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
 
Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đã quan tâm nội dung này và chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, tuy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy chuẩn và mô hình cơ sở dữ liệu đất đai, nhưng để xây dựng cơ sở dữ liệu có sở đất đai, ngoài việc đáp ứng các quy định về quy chuẩn và mô hình, vấn đề chính phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư của địa phương. Đối với một số địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa cân đối được ngân sách thì kinh phí cho thực hiện công tác số hóa dữ liệu đất đai là không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc kết nối đồng bộ về dữ liệu cơ sở của toàn hệ thống. Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo liên Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối, tăng mức hỗ trợ để đảm bảo kinh phí thực hiện công tác số hóa dữ liệu cơ sở đất đai được triển khai đồng bộ tại các địa phương, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội”.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung, thống nhất, đa mục tiêu; trong đó, bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất.
 
Theo đó, năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.
 
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khắc phục tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
 
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri và Đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng khóa XV liên quan đến nội dung này. Nội dung trả lời cụ thể như: “Đối với tỉnh Lâm Đồng từ năm 2008 - 2016 ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 85,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ chỉ đạo các địa phương tự chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Theo đó, việc lập, chỉnh lý và quản lý bản đồ địa chính, mã số hóa đo đạc bản đồ địa chính theo kiến nghị của cử tri Lâm Đồng thuộc nhiệm vụ của địa phương”. 
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại Lâm Đồng, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có tác động tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo sở Tài Nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030; trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất tại đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, hạn chế sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để xây dựng đô thị. Đó là mục tiêu chung mà các địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
 
NGUYỆT THU