Trồng cau tứ quý ở Đạ Rsal

06:04, 15/04/2022
Những ngày này ở thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, đi dọc đường thôn đều thấy những hàng cau non xanh mướt. Cây cau, thứ cây quen thuộc với đồng bằng đang phát triển mạnh trên mảnh đất cao nguyên.
 
Ông Võ Minh Trí
Ông Võ Minh Trí
 
Ông Nguyễn Đình Đãi, nông dân thôn Tân Tiến đang ngồi tiện cau chín để nhân giống. Ông bảo, cây cau làm giống không khó nhưng cần kiên trì. Đầu tiên, chờ cau chín vàng già trên cây mới được trảy xuống. Sau đó, cắt cuống trái cau, phơi héo rồi ủ vào cát ẩm để trái nảy mầm. Sau 1 tháng, trái cau nảy mầm thì vào bịch, chăm sóc từ 3-4 tháng, tới mùa mưa đem ra trồng xuống đất. Làm giống cau không tốn kém nhưng rất mất thời gian và chỉ làm vào thời điểm tháng 3-4 trong năm là thích hợp nhất vì có cau chín. Ông Đãi bảo, vài năm nay, cau có giá, gia đình ông cũng như nhiều hộ trong thôn đang nhân giống để phát triển cây cau. Nhà ông mùa này chỉ có dăm cây trong vườn nhưng có thu hoạch cả chục triệu đồng mà không hề tốn công chăm sóc hay thu hoạch. Vì vậy, bà con đang tích cực trồng cau làm cảnh, trồng tại các bờ ranh, bờ bao, vừa đẹp, vừa có thu hoạch trong tương lai. Ông Đãi bảo, có nhà thu hoạch gần trăm triệu chỉ với hàng cau trồng làm ranh giới đất. 
 
Người có thu nhập tốt từ cây cau chính là ông Võ Minh Trí, cũng là người đem giống cau vào đất Tân Tiến. Ông Võ Minh Trí vốn quê gốc Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 2006, ông vào đất mới Đạ Rsal làm kinh tế. Nhớ quê, ông mang theo ít cau con vào trồng quanh nhà, làm bờ ranh, đồng thời tặng bà con xung quanh mỗi nhà ít cây trồng làm cảnh, đẹp sân đẹp ngõ. Ông chia sẻ, khác với các giống cau khác, cau ông mang từ Quảng Ngãi vào là giống cau tứ quý, cau đặc sản của quê hương. Cau tứ quý lá nhỏ thân cao, dễ sống. Sau 4 năm trồng, cây cao chừng 2,5-3 m là bắt đầu cho trái. Điều đặc biệt là cau tứ quý ra trái liên tục, trên cây lúc nào cũng có buồng cau. Cứ một buồng đủ độ thu hoạch, cắt đi là buồng nhỏ tiếp tục lớn. Bởi vậy, trên cây có hoa, có trái liên tục, do đó mới có cái tên tứ quý. Ông cho biết: “Cau tứ quý là giống đặc thù của vùng Quảng Ngãi, được thương lái thu mua xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc làm kẹo cau. Vùng Quảng Nam Quảng Ngãi bà con khá giả vì cây cau tứ quý. Năm rồi, nhà tôi thu được trên 80 triệu chỉ với 40 cây cau. Vì vậy tôi cũng đang tiếp tục nhân giống trồng cau non, trồng hết các bờ ranh đất, đường trong thôn. Cau là trồng chơi ăn thật”.
 
Ông Võ Minh Trí giới thiệu, cau tứ quý được người tới thu mua và hái thường xuyên. Buồng cau tứ quý có đặc thù là buồng to nhưng trái nhỏ. Thương lái thu mua buồng khá non, khi cau ra buồng được 2 tháng, trái bánh tẻ là được thu hoạch. Người thu mua từ sau Tết âm lịch tới tháng 11, sau đó tạm ngừng. Ông để những buồng cau không được thu hoạch chín già trên cây, tầm từ 5-6 tháng mới hái xuống. Cau chín chuyên để làm giống, ngoài gia đình trồng, còn bán ra thị trường với giá 15-20 ngàn đồng/cây con. Hiện, thương lái cũng đang tập trung thu mua cau, mang lại khoản thu khá tốt cho cư dân Tân Tiến. Ông Trí tích cực trồng cau và động viên bà con trồng cau vì theo ông, trồng cau mang lại đủ thứ lợi ích, dễ trồng, dễ chăm, cây cau lại sống lâu, cho thu hoạch liên tục. Đặc biệt, ông Trí đang thử nghiệm trồng hồ tiêu lên gốc cau. Theo ông, cây hồ tiêu leo lên trụ là gốc cau thì vừa có hồ tiêu, vừa thu hoạch được cau mà không cần tốn công chăm sóc nhiều.
 
Anh Đỗ Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal chia sẻ, nông dân thôn Tân Tiến là những nông hộ hết sức nhanh nhạy, tiến bộ, bắt kịp với sự phát triển của xã hội. Bà con phát triển cây cau dựa trên nhu cầu tiêu thụ của thị trường và cho nguồn thu tốt. Cây cau lại là cây trồng không tốn diện tích đất, trồng dọc đường ranh, dọc đường thôn tạo cảnh quan rất hài hòa. Trong tương lai, những đường thôn rợp bóng cau cũng mang lại cho Tân Tiến một không gian đẹp, đồng thời, tạo một khoản thu không nhỏ cho người nông dân. 
 
DIỆP QUỲNH