Di Linh và bài toán phát triển công nghiệp

06:06, 28/06/2022
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế ở huyện Di Linh. 
 
Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản thế mạnh là hướng đi hiện nay của huyện Di Linh
Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản thế mạnh là hướng đi hiện nay của huyện Di Linh
 
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Di Linh, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đã tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 10-11%. Trên địa bàn huyện có 518 doanh nghiệp đang hoạt động, 43 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và trên 400 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn huyện. 
 
Ngành công nghiệp từng bước phát triển dựa trên lợi thế khai thác tiềm năng của huyện. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô như Nhà máy sản xuất gạch Hiệp Thành, các công ty sản xuất chè, cà phê, sản xuất bentonite… 
 
Tuy vậy, Di Linh vẫn được biết đến như một huyện thuần nông với thế mạnh sản xuất cây công nghiệp lâu năm, còn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo còn hạn chế. Công nghiệp chế biến sau thu hoạch chưa được chú trọng. Một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp còn chưa đa dạng về mẫu mã, chất lượng chưa cao; thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao.
 
Công tác quy hoạch các cụm công nghiệp, kế hoạch triển khai và việc kêu gọi thu hút đầu tư còn lúng túng. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp còn chậm nên chưa thu hút đầu tư kịp thời. Các nhà đầu tư còn ngại trong việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án công nghiệp. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp còn hạn chế.
 
Trước những vấn đề đặt ra, lãnh đạo huyện Di Linh đã xác định rõ mục tiêu nâng cao tỉ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Cụ thể đến năm 2025, Di Linh phấn đấu có tốc độ tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9-10%. Tỉ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 30% trở lên trong GDP của huyện. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với việc tập trung chế biến các sản phẩm có thế mạnh và các sản phẩm OCOP. Hình thành các chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các nhóm sản phẩm chủ lực của huyện.
 
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, hiện nay, huyện Di Linh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, Nhân dân. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu của huyện như: cà phê, chè, các loại trái cây bơ, mắc ca, sầu riêng và cây dược liệu… Phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến…
 
Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải,… huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Tam Bố đã quy hoạch. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư thực hiện để các nhà đầu tư ứng vốn hoặc bố trí vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm cho việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ trong cụm công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện,... (khi không thu hút được đầu tư) để đầu tư cơ sở sản xuất. Đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 lấp đầy được 80% cụm công nghiệp Tam Bố. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp Liên Đầm - Tân Châu, Gia Bắc, Hòa Ninh trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện, từ đó lập quy hoạch triển khai các bước thực hiện và kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp giai đoạn 2021- 2025. 
 
Kêu gọi đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là các làng nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc phát triển dịch vụ du lịch ở các xã. Xây dựng các làng nghề hướng vào sản xuất các nhóm nghề mây tre đan, ươm tơ-dệt lụa, rượu cần và dệt thổ cẩm kết hợp với sản xuất hàng lưu niệm. Mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện về nguồn vốn, phương thức vay vốn bằng nhiều hình thức thông qua cung ứng nguyên liệu, vật liệu thiết bị máy móc, công nghệ mới vào sản xuất để các cơ sở đan len, may mặc,… phát triển bền vững. Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, truyền nghề và thiết kế kiểu dáng, mẫu mã nhằm bảo tồn những nét truyền thống, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 
Bên cạnh đó, hiện Di Linh cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng lộ trình phát triển của địa phương trong tương lai.
 
NGỌC NGÀ