Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét - huyện Đức Trọng là một dự án lớn, một công trình trọng điểm của tỉnh, hướng đến mục tiêu phục vụ tưới tiêu cho bà con Nhân dân. Đồng thời, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tạo cảnh quan du lịch, góp phần cải thiện khí hậu của vùng dự án... Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) để triển khai dự án vẫn chưa hoàn tất. Thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, tồn tại từ nhiều phía. Trong đó, chủ yếu thuộc về sự giám sát, đôn đốc, tăng cường trách nhiệm, bảo đảm quyền lợi cho người dân chưa thực sự thấu đáo... Kinh nghiệm được rút ra là vô cùng ý nghĩa cho những dự án khác trên địa bàn tỉnh...
|
Đoàn giám sát UBMTTQ đi khảo sát thực tế tại khu vực triển khai Dự án Hồ Ta Hoét |
Về dự án Hồ Ta Hoét, ngay sau khi có văn bản chấp thuận phạm vi thực hiện dự án của UBND tỉnh, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành thông báo thu hồi đất đối với các hộ có đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Căn cứ thông báo thu hồi đất đã được phê duyệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp với UBND xã Hiệp An, các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc dự án, trình thẩm định theo quy định.
Trên cơ sở kết quả thẩm định và đề nghị của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện đã ban hành 19 quyết định phê duyệt phương án tính toán bồi thường, hỗ trợ cho 125 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền là hơn 106 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền chi trả cho dân là hơn 104 tỷ đồng với diện tích 46,4ha. Qua kết quả tuyên truyền, vận động của chính quyền và các ban, ngành, địa phương, đến nay đã có 29 hộ nhận tiền với trên 21 tỷ đồng. Trong đó có 18 hộ đồng bào DTTS nhận tiền với diện tích bàn giao là 41.130 m2 và 11 hộ người Kinh với diện tích bàn giao mặt bằng là 35,542 m2.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách thuộc thẩm quyền, các sở, ngành, địa phương đang gặp phải những tồn tại, hạn chế đó là: Qua các buổi họp công khai phương án tạm tính về bồi thường hỗ trợ, phần lớn các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án, trong đó có các hộ đồng bào DTTS không đồng ý với chủ trương thu hồi đất. Bà con cho rằng sau khi thu hồi đất, các hộ không còn đất để sản xuất, nghề nghiệp chính và thu nhập của bà con chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, điều kiện kinh tế của bà con còn gặp khó khăn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa số bà con không đồng thuận do giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực của bà con.
Trong quá trình triển khai dự án, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án rất mong muốn được Nhà nước bố trí đất tái định canh sau thu hồi đất để bà con tiếp tục canh tác sản xuất, tạo việc làm, thu nhập bền vững. Tuy nhiên, địa phương hiện nay không có quỹ đất để bố trí tái định canh cho các hộ sau khi thu hồi đất để triển khai dự án.
Những vướng mắc trong công tác hỗ trợ, ĐBGPMB đã và đang xảy ra tại hầu hết các địa phương, trong đó phổ biến là tình trạng người dân chưa đồng ý với mức giá được bồi thường đất nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, hoặc người dân được bồi thường với giá thấp, nhưng khi họ mua đất tái định cư lại phải chịu giá cao. Đây là điều thiệt thòi cho người dân, rất cần sự quan tâm giải quyết từ nhiều ngành, địa phương.
Từ thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ chức trách được giao, các Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND huyện Đức Trọng cũng đã nhận thấy còn một số thiếu sót cần khắc phục, cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa trong giải quyết các vấn đề tồn đọng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đó là trong quá trình kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường hỗ trợ của các đơn vị liên quan có lúc còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, từ đó dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch và yêu cầu đề ra.
Khâu kiểm kê giữa tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng với UBND xã và người dân chưa chặt chẽ. Từ đó dẫn đến trong thực tế đã xảy ra một số hồ sơ kiểm kê tại hiện trạng vẫn còn để xảy ra sai sót, kiểm đếm, thống kê còn thiếu cây trồng, vật kiến trúc, diện tích đất của một số hộ dân bị thu hồi chưa đo đạc chính xác, vẫn còn phải chỉnh lý, bổ sung, điều chỉnh.
Trực tiếp liên quan đến công tác ĐBGPMB là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đức Trọng về nhân lực còn ít, một số cán bộ về trình độ chuyên môn còn hạn chế nên dẫn đến tiến độ công việc giải quyết chậm, kéo dài thời gian trong việc thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, triển khai phần việc thu hồi đất, ĐBGPMB vẫn có trình trạng một số đối tượng có hành vi kích động, xúi giục các hộ dân có đất bị thu hồi gây khó khăn trong công tác thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương.
Trong thời gian tới đây, các sở, ngành liên quan cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa, kịp thời đôn đốc, giải quyết các phần việc liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đó là sớm thẩm định phương án hệ số điều chỉnh giá đất tại khu vực dự án sau khi huyện Đức Trọng trình phương án để làm cơ sở tính toán bồi thường, hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đảm bảo hoàn thành công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
HÀ NGUYỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin