Phân định quy hoạch 3 loại rừng - còn đó những bất cập

06:06, 07/06/2022
LTS: Tỉnh Lâm Đồng có nguồn tài nguyên rừng phong phú, nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng ở các vùng vĩ độ khác nhau, nhất là có diện tích rừng thông lớn, lâu năm, phân bố đồng đều trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển nguồn thu dịch vụ môi trường rừng… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 2016 và 503 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
 
Kỳ 1: Khẩn trương giải quyết những vướng mắc
 
“Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh phù hợp chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326 ngày 9/3/2022 và theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Đề nghị các đơn vị, địa phương hoàn thành thời gian trong năm 2022” - Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh vừa qua về việc tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri và Nhân dân quan tâm. 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo, giải trình về nội dung liên quan đến quy hoạch 3 loại đất rừng
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo, giải trình về nội dung liên quan đến quy hoạch 3 loại đất rừng
 
Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 596.642 ha (chiếm 60,99%) diện tích tự nhiên 978.120 ha, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã/phường/thị trấn trên địa bàn 12 huyện/thành phố. Diện tích đất có rừng 538.741 ha (Rừng tự nhiên: 454.868 ha; Rừng trồng: 83.873 ha), phân chia thành 3 loại rừng: Rừng đặc dụng: 81.847 ha, rừng phòng hộ: 150.904 ha và rừng sản xuất: 305.990 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 54,6%. 
 
Toàn tỉnh có 23 đơn vị chủ rừng nhà nước. Trong đó bao gồm: 08 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 13 ban quản lý rừng phòng hộ, 02 vườn quốc gia.
 
Tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các huyện, thành phố. Theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ thì các tỉnh, thành phố phải ban hành quy định phân cấp trong năm 2018.Tuy nhiên, sau gần 4 năm kể từ khi có Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND các huyện, thành phố. Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh của UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 503 điều chỉnh Quyết định số 2016. Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 503 được ban hành, vẫn tiếp tục phát sinh những vấn đề tương tự khi thực hiện Quyết định số 2016, đó là: Một số vị trí còn rừng nhưng được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp và ngược lại, một số diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng vẫn nằm trong quy hoạch lâm nghiệp.
 
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Sở đã nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án sử dụng đất của 05 huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên, Bảo Lâm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thẩm định hồ sơ, phương án sử dụng đất do các huyện lập chưa đảm bảo theo yêu cầu cũng như nội dung hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (do Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam Bộ thực hiện) đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 19/02/2008 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp. 
 
Lâm Đồng có nguồn tài nguyên rừng phong phú. Ảnh: Chính Thành
Lâm Đồng có nguồn tài nguyên rừng phong phú. Ảnh: Chính Thành
 
Được biết, tổng diện tích quy hoạch 03 loại rừng: 601.477 ha, chiếm 61,55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; gồm: rừng đặc dụng: 83.674 ha, chiếm 13,91% diện tích đất lâm nghiệp; rừng phòng hộ: 172.800 ha, chiếm 28,73%; rừng sản xuất: 345.003 ha, chiếm 57,36%. Độ che phủ rừng tỉnh Lâm Đồng là 57,97% (chỉ tính cho diện tích đất có rừng). Tổng diện tích đất lâm nghiệp điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để chuyển sang quy hoạch sử dụng cho các mục đích khác (ngoài lâm nghiệp) là 47.892 ha.
 
Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 19/02/2008, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện thông qua công tác cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đối với đất ngoài lâm nghiệp; phân công cho các tổ chức quản lý rừng, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. 
 
Từ thực tiễn tại Lâm Đồng những năm gần đây cho thấy, qua các buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp và gián tiếp, có nhiều kiến nghị của địa phương và người dân về một số vị trí, diện tích chưa trùng khớp giữa bản đồ và thực địa nhưng chưa xác định cụ thể, nên khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Một số diện tích đất người dân sản xuất từ lâu, nhưng chưa đảm bảo điều kiện để đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp (Trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 52.000 ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đối tượng đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp), đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng trên địa bàn. Một số diện tích đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác không phải lâm nghiệp, diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ hợp pháp cho hộ gia đình, cá nhân (không phải mục đích lâm nghiệp) và một số diện tích đất người dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống ổn định lâu năm nhưng vẫn quy hoạch là đất lâm nghiệp; dẫn đến việc quản lý, đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn; làm phát sinh đơn thư kiến nghị, phản ánh, đặc biệt, trên địa bàn thành phố Đà Lạt và một số huyện như: Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT phân tích nguyên nhân: do địa bàn quản lý diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn (toàn tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 600.000 ha), việc rà soát, điều chỉnh diện tích đất đưa ra/đưa vào lâm nghiệp ở rất nhiều vị trí vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn; do đó, công tác kiểm tra thực địa của công chức, viên chức liên quan sử dụng bằng máy định vị GPS sai số lớn hơn nhiều so với máy móc của ngành Tài nguyên và Môi trường, việc khoanh vẽ chưa thật sự kỹ nên chưa đảm bảo đúng hiện trạng thực tế. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương, các đơn vị quản lý rừng chưa thật sự chặt chẽ trong công tác thu thập số liệu, hồ sơ, bản đồ (vị trí, ranh giới, diện tích đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ). Đặc biệt, việc phối hợp với Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai các huyện/thành phố; quá trình lưu trữ, tổng hợp các hồ sơ đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng, đất giao khoán theo các nghị định của Chính phủ trước đây không còn đầy đủ (Nghị định số 01, 02, 135, 168); công tác theo dõi diễn biến, quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng chưa chặt chẽ, không khoa học; dẫn đến một số khu vực đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục đích khác không phải lâm nghiệp, một số khu vực đã được cấp GCNQSDĐ cho mục đích khác không phải lâm nghiệp nhưng vẫn quy hoạch lâm nghiệp (trong quy hoạch 03 loại rừng); vì vậy việc rà soát phải cập nhật rất nhiều lần nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu
 
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, do nền tảng để thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là số liệu kiểm kê rừng toàn quốc năm 2014 được phê duyệt trên cơ sở khoanh vẽ, đánh giá hiện trạng là ảnh vệ tinh, và ảnh vệ tinh tại các huyện, thành phố là khác nhau về thời điểm chụp, chất lượng ảnh chưa cao nên có các lô rừng được khoanh vẽ có sự lệch so với thực tế khi sử dụng thiết bị định vị để đo đạc. Về cơ sở dữ liệu thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, chưa đảm bảo độ chính xác cao. 
 
Giải trình làm rõ một số nội dung còn vướng mắc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Quá trình rà soát phạm vi ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp để giao cho các đơn vị chủ rừng nhà nước, kết hợp việc người dân kiến nghị liên quan đến diện tích đề nghị điều chỉnh quy hoạch ra ngoài 3 loại rừng (chủ yếu trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Thanh tra Sở tiến hành thanh tra việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đối với 2 địa phương này và đã có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. 
 
Theo đó, tại thành phố Đà Lạt đề nghị điều chỉnh 27 vị trí chưa phù hợp (Quyết định số 2016/QĐ-UBND có 22 vị trí/10,16 ha; Quyết định số 503/QĐ-UBND: có 09 vị trí đưa ra/đưa vào chưa phù hợp, diện tích 12,67 ha). Tại huyện Lạc Dương đưa ra không phù hợp: 94 điểm/223,09 ha, đưa vào không phù hợp: 05 điểm/5,26 ha. Đối với phần diện tích này trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh lại phạm vi ranh giới, diện tích giao cho các đơn vị nhà nước quản lý.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong thời gian tới, sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2753/UBND-LN ngày 25/4/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau kết luận thanh tra; tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.
(CÒN NỮA)
 
NGUYỆT THU