Tăng mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết hồ sơ tại các huyện, thành

05:06, 29/06/2022
Thông qua điều tra xã hội học định kỳ cho thấy, chỉ số về sự hài lòng của người dân tổ chức trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại hầu hết 12 huyện, thành phố trong tỉnh đã tiếp tục tăng lên trong năm 2021.
 
Đà Lạt tiếp tục dẫn đầu Lâm Đồng về Chỉ số hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân chờ nhận kết quả giải quyết hồ sơ  tại Bộ phận Một cửa của UBND thành phố Đà Lạt
Đà Lạt tiếp tục dẫn đầu Lâm Đồng về Chỉ số hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân chờ nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phận Một cửa của UBND thành phố Đà Lạt
 
•  ĐẠ TẺH TIẾP TỤC DẪN ĐẦU 
 
Theo kết quả đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 khối huyện, thành phố do UBND tỉnh Lâm Đồng công bố đầu tháng 6/2022, Chỉ số CCHC chung của 12 huyện, thành trong tỉnh đều tăng lên so với năm 2020.
 
Cụ thể, Chỉ số CCHC bình quân cấp huyện năm 2021 là 90,35%, tăng 1,36% so với năm 2020. Toàn bộ 12 huyện, thành đều đạt điểm Chỉ số CCHC trên 85%; trong đó, 7 trong tổng số 12 huyện, thành của tỉnh đạt cao hơn mức điểm chỉ số bình quân. 
 
Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC khối huyện, thành của tỉnh năm 2021 là huyện Đạ Tẻh với mức điểm đạt được 92,20%. Năm ngoái, Đạ Tẻh cũng là huyện dẫn đầu tỉnh về Chỉ số CCHC với 91,71%. Đứng nhì trong bảng là thành phố Đà Lạt với 91,76 %; năm 2020, Đà Lạt đạt 90,88%, cũng là địa phương đứng nhì tỉnh sau Đạ Tẻh.
 
Hai địa phương đứng liền sau Đà Lạt là Đức Trọng và Đơn Dương. Đức Trọng đạt mức điểm 91,55% trong năm 2021, tăng 4 bậc, từ vị trí thứ 7 năm 2020 lên vị trí thứ 3 trong năm 2021. Đơn Dương với mức điểm 91,55% đã tăng 5 bậc, từ vị trí thứ 9 năm 2020 lên vị trí thứ 4 tỉnh trong 2021. 
 
Xếp vị trí thứ 5 của tỉnh là Lạc Dương. Dù là huyện còn nhiều khó khăn với tỉ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống cao nhưng với tỉ lệ điểm 91,06% đạt được trong năm 2021, Lạc Dương vẫn giữ được vị trí thứ 5 của mình so với năm trước.
 
Vị trí thứ 6 trong bảng là huyện Đạ Huoai. Năm 2021, Đạ Huoai đạt tỉ lệ 90,69%, tăng điểm hơn năm ngoái nhưng giảm 2 bậc. Vị trí thứ 7 là Cát Tiên, năm 2021, huyện đạt 90,63%, tăng 4 bậc so với năm trước. Đứng ở vị trí thứ 8 tỉnh là huyện Di Linh. Dù đã tăng điểm hơn so với năm trước, từ 88,96% của năm 2020 tăng lên 90,02% năm 2021 nhưng Di Linh vẫn bị tụt 2 hạng so với năm 2020. 
 
Vị trí thứ 9 là Đam Rông. Sau nhiều năm liền thường xuyên nằm cuối bảng xếp hạng, năm 2021 vừa qua, Đam Rông đã có những nỗ lực nhất định để vươn lên trong CCHC, đạt được tỉ lệ điểm 89,60%, vươn từ vị trí chót bảng năm 2020 lên vị trí thứ 9 trong năm 2021.
 
Trong khi đó, 3 địa phương nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2021 đều bị tụt hạng. Đó là thành phố Bảo Lộc, năm 2020 đạt 90,87% điểm, đứng thứ 3 tỉnh thì năm 2021 chỉ đạt 89,49%, tụt xuống vị trí thứ 10; huyện Bảo Lâm từ vị trí thứ 8 năm 2020 đã tụt xuống vị trí thứ 11 năm 2021 với 88,58%; còn Lâm Hà từ vị trí thứ 10 năm 2020, đến năm 2021 tụt xuống đứng chót bảng với tỉ lệ điểm khá thấp 87,46%.
 
Cần lưu ý là thang điểm trong đánh giá Chỉ số CCHC được chấm rất chặt chẽ theo các lĩnh vực với tiêu chí thành phần cụ thể; chỉ cần xê xích một số điểm khá nhỏ cũng tạo ra sự chênh lệch lớn về vị trí xếp hạng. Khoảng cách điểm giữa địa phương dẫn đầu tỉnh và địa phương đứng chót bảng trong xếp hạng năm 2021 khá cao, đến 4,74%. Để rút ngắn được khoảng cách điểm này, các địa phương đứng dưới cần nỗ lực rất nhiều mới vươn lên được.
 
•  CHỈ SỐ HÀI LÒNG TĂNG
 
Theo đánh giá của tỉnh, hầu như toàn bộ các huyện, thành trong năm 2021 đều đạt điểm tối đa trong nhiều lĩnh vực thành phần. Như trong chỉ đạo điều hành về công tác CCHC, tất cả 12 huyện, thành phố đều kịp thời khắc phục những hạn chế trước đây, thực hiện khá tốt việc xây dựng kế hoạch, lập báo cáo, kiểm tra thực thi công vụ cũng như có các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy CCHC nên đều đạt điểm tối đa.
 
Tương tự, trong cải cách thủ tục hành chính cũng như trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, toàn bộ 12 huyện, thành đều đạt điểm tối đa. Trong lĩnh vực cải cách thể chế, có đến 10 huyện, thành phố đạt điểm tối đa (với 8,5 điểm), chỉ trừ 2 đơn vị là thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm không đạt mức điểm tối đa. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đạt điểm cao cũng có không ít địa phương điểm còn thấp do bị trừ điểm vì nhiều nguyên nhân. Như trong lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Cát Tiên đứng đầu 12 huyện, thành khi đạt mức tối đa với 10 điểm, trong khi Lâm Hà và Di Linh chỉ đạt 7,5 điểm đứng thứ 11 và 12 tỉnh. Do các tiêu chí thành phần trong lĩnh vực này liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CBCCVC, những địa phương có các trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật đều bị trừ điểm.
 
Trong lĩnh vực đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, trong năm không có đơn vị cấp huyện nào đạt điểm tối đa tiêu chí thành phần này vì yêu cầu hàng năm cấp huyện phải tăng thêm số đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên. Tuy nhiên, năm 2021, đa số các huyện, thành trong tỉnh đều không tăng thêm số đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên, nên không đạt điểm. Dẫn đầu trong lĩnh vực này là Đạ Tẻh, đạt 5,21 trong tổng số 6,75 điểm tối đa; còn Đà Lạt đứng vị trí thứ 12 với số điểm đạt được chỉ 3,99 điểm. 
 
Trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, hầu hết các địa phương cũng đều không đạt được điểm tối đa. Theo đánh giá của tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính đã được các huyện, thành quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện tốt các tiêu chí về sử dụng thư điện tử công vụ; chưa làm tốt việc cung cấp thông tin, văn bản trên trang thông tin điện tử của huyện, thành; việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn thấp.
 
Với lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các huyện, thành phố đến nay đều áp dụng ở cấp huyện và cấp xã; việc cập nhật, theo dõi kết quả giải quyết TTHC ở cấp huyện tương đối tốt, kết quả giải quyết đúng hạn cao. Tuy nhiên, tỉ lệ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và đính kèm trên hệ thống một cửa điện tử của đa số các huyện, thành chưa đảm bảo theo yêu cầu.
 
Điều đáng nói nhất trong đánh giá Chỉ số CCHC của tỉnh năm qua chính là chỉ số hài lòng của người dân và các tổ chức thông qua điều tra xã hội học đối với 3 loại hình dịch vụ công (gồm hành chính công, y tế và giáo dục) tại 12 huyện, thành phố đã tăng lên đáng kể. Toàn bộ các huyện, thành đều có mức độ hài lòng đạt trên 80%.
 
Cụ thể, chỉ số hài lòng này đã tăng 1,66% trong năm 2021 so với năm 2020 trước đó. Đơn vị có mức độ hài lòng cao nhất là thành phố Đà Lạt (đạt tỉ lệ 95,1%), kế tiếp là Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương, Bảo Lộc, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh và địa phương có mức độ hài lòng thấp nhất là Cát Tiên (chỉ đạt tỉ lệ 86,3%). 
 
So với năm 2020, năm 2021 theo đánh giá của tỉnh đã có những sự tiến bộ, cải thiện đáng kể; không ít các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hơn trong công tác CCHC năm 2021. Bảng xếp hạng được tỉnh công bố sẽ giúp cho các địa phương thấy rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế của đơn vị mình để kịp thời chấn chỉnh, đề ra những biện pháp cụ thể trong thời gian đến. Việc đánh giá chỉ số hằng năm cũng giúp UBND tỉnh có những định hướng phù hợp trong việc tăng cường công tác lãnh đạo, đôn đốc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu 12 huyện, thành phố trong tỉnh cần rà soát, chấn chỉnh, khắc phục đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần thực hiện chưa tốt trong năm qua để từng bước nâng cao Chỉ số CCHC của đơn vị trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Các địa phương cũng cần có giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương nhằm hạn chế việc CBCCVC vi phạm pháp luật dẫn đến phải xử lý kỷ luật.
 
VIẾT TRỌNG