Thực hiện Chỉ thị 25 ngày 19/11/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và từ đó đã có nhiều chuyển biến khá tích cực.
|
Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng xã Phúc Thọ tổ chức phát cỏ khu vực rừng trồng |
Ban QLRPH Lâm Hà được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban QLRPH Nam Ban và BQLRPH Lán Tranh theo Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 10/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý là 34.132,8 ha thuộc 60 tiểu khu trải rộng trên địa giới hành chính 12 xã, thị trấn. Hiện tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đơn vị quản lý là 34.128,7 ha, trong đó diện tích có rừng là 18.871,99 ha và diện tích không có rừng là 15.256,71 ha. Hầu hết diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý nằm đan xen khu dân cư, đặc biệt là diện tích rừng trồng phân bố rải rác, xen kẽ với nương rẫy của người dân. Nhiều khu vực có điều kiện thuận lợi như xã Nam Ban, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Tân Thanh, có đường giao thông, đường dân sinh đi qua, đất tăng giá, nên tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác QLBVR - PCCCR.
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban đã xây dựng kế hoạch tuần tra truy quyét ở những khu vực trọng điểm, lập kế hoạch giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; đồng thời, chỉ đạo các Đội Bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách thực hiện thống kê diện tích nương rẫy và theo dõi sát sao, thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo Ban cũng chỉ đạo công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị tăng cường bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nắm vững tình hình địa bàn quản lý và phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, có những giải pháp, biện pháp phù hợp, kiên quyết để bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; PCCCR trên địa bàn, Ban QLRPH Lâm Hà thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, thôn, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các điểm dân cư thông qua cuộc họp thôn, và lồng ghép tuyên truyền qua những buổi chi trả tiền giao khoán QLBVR. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về công tác bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô đối với những hộ có vườn, rẫy gần rừng. Và nhằm nâng cao chức trách, trách nhiệm, nhiệm vụ của cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, đơn vị thường xuyên kiện toàn công tác tổ chức các phòng chuyên môn, các Đội BVR chuyên trách, điều động, luân chuyển cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực sở trường của từng viên chức trong đơn vị. Cụ thể, đơn vị đã kiện toàn tổ cơ động tăng cường tuần tra truy quét vào ban đêm, các ngày nghỉ lễ, tết tại các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra diễn biến phức tạp; kiện toàn công tác tổ chức của Đội BVR chuyên trách số 5, thuộc địa bàn xã Phúc Thọ, một điểm nóng về phá rừng. Điều động, luân chuyển một số cán bộ tiểu khu từ đội này qua đội khác. Đặc biệt, Ban QLRPH Lâm Hà những năm qua cũng cho thấy thái độ kiên quyết trong xử lý những cán bộ để xảy ra phá rừng nghiêm trọng vì thiếu tinh thần trách nhiệm. Năm 2020, đơn vị đã kiểm điểm và xử lý kỷ luật 1 viên chức phụ trách tiểu khu hình thức kỷ luật khiển trách liên quan trong việc để xảy ra phá rừng tại Tiểu khu 265 xã Đông Thanh; đồng thời, kiên quyết xử lý thanh lý hợp đồng một số trường hợp nhận khoán bảo vệ rừng do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép không kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Ban cũng đặc biệt quan tâm rà soát hiệu qủa của lực lượng giao nhận khoán, lãnh chỉ đạo và tổ chức cho lực lượng nhận khoán thường xuyên tuần tra, truy quét các khu vực trọng điểm nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Với sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn đơn vị, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra điểm nóng, công tác quản lý, bảo vệ rừng của Ban đã có nhiều chuyển biến khá tích cực. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, công tác trồng rừng hàng năm cũng đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng khai thác gỗ, xâm lấn rừng trái phép ở mức độ nhỏ, lẻ vẫn còn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng ở khu vực do Ban Quản lý cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định do trên địa bàn một số xã thuộc khu vực Nam Ban, Mê Linh giá đất ngày càng tăng cao, các đối tượng lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để mua bán, sang nhượng trái phép nhằm trục lợi. Ở khu vực giáp ranh, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy vẫn còn diễn ra phức tạp… Do đó công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp của Ban vẫn còn rất nhiều gian nan.
Đặt ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban QLRPH Lâm Hà cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chỉ thị 25 của Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà, và Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, phối hợp với các xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn, tổ cơ động… kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, nhất là ở các khu vực trọng điểm về tình trạng phá rừng tại cụm Nam Ban và Phúc Thọ… Với việc triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ và tinh thần trách nhiệm ngày càng được nâng cao của đội ngũ cán bộ Ban QLRPH Lâm Hà và lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, tin rằng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng độ che phủ rừng, gìn giữ màu xanh tươi mát cho núi rừng huyện Lâm Hà.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin