Bảo vệ, phục hồi rừng gỗ quý

06:07, 22/07/2022
Ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà hiện có một khu rừng gỗ quý là quần thể cây du sam lớn nhỏ đủ loại đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà giao cho các hộ dân trong vùng quản lý, bảo vệ. Khu rừng không chỉ là niềm tự hào của bà con trong vùng về hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn là niềm tự hào bởi có một khu rừng nằm trong danh mục thực vật rừng quý hiếm.
 
Người dân và lực lượng kiểm lâm bàn phương án tuần tra tại khu vực rừng có nhiều cây gỗ du sam
Người dân và lực lượng kiểm lâm bàn phương án tuần tra tại khu vực rừng có nhiều cây gỗ du sam
 
Chúng tôi theo chân bà con nhận khoán bảo vệ rừng và các cán bộ kiểm lâm đến tham quan khu rừng du sam ở Thôn Prteng 2, xã Phú Sơn. Điều đáng ghi nhận và cũng là ấn tượng lớn nhất đó là khi ghé thăm khu rừng này, chúng tôi được chứng kiến sự đa dạng hiếm thấy của quần thể du sam ở đây. Những cây du sam lớn có, nhỏ có, vừa mới mọc cũng có đang sinh trưởng, phát triển đan xen trong khu rừng đều phát triển tốt. Dấu hiệu này cũng cho thấy khu rừng gỗ quý đang được người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rất tốt, mặc dù theo quan sát của chúng tôi thì ngay sát cánh rừng là khu vực nhà ở của một số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số và xung quanh còn là rất nhiều nương rẫy cà phê xanh tốt của bà con. Một cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà cho biết, cánh rừng này hiện đang có khoảng 1 ngàn cây du sam lớn nhỏ. 
 
Theo các cán bộ kiểm lâm, cây du sam còn có các tên gọi khác là ngô tùng. Du sam thuộc họ Thông là cây thân gỗ lớn, cao từ 23 - 40 m. Gỗ du sam được xếp vào nhóm I, loại gỗ quý hiếm, có giá trị cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Do vấn nạn khai thác bừa bãi, phá rừng nghiêm trọng trong nhiều năm dẫn đến có rất nhiều cây gỗ quý bị mất đi, trong đó có cây gỗ du sam. Hiện, gỗ này nằm trong danh mục thực vật rừng quý hiếm, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Hầu hết cây du sam đều có tuổi thọ từ 50 tới cả 100 năm với đường kính trung bình 50 - 70 cm, có cây du sam có đường kính tới 2 m. Gỗ cây du sam thường được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, ứng dụng trong xây dựng và nội thất như sập gỗ, làm sàn gỗ đặc biệt, ốp tường, trần nhà,… Ngoài ra, gỗ cây du sam còn có thể chế tạo các loại tinh dầu tự nhiên từ trong gỗ. Tinh dầu du sam là loại tinh dầu cực kỳ quý và đã được chứng minh là có nhiều tác dụng tốt cho con người. 
 
Dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu về quần thể cây du sam, ông Trần Xuân Lâm, một người đã có 22 năm làm công tác bảo vệ rừng ở đây khoe đầy tự hào: “Đây là khu vực có số lượng lớn cây du sam tự nhiên đang được bà con nhận khoán bảo vệ. Chúng tôi chăm sóc rất tốt, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát và phát quang cây cỏ. Có thể nói rằng, đến thời điểm hiện tại, ý thức và trách nhiệm của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên. Riêng khu vực rừng gỗ quý này hiện đang được bảo vệ tương đối nguyên vẹn. Ở Phú Sơn, ngoài người Kinh thì có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, bà con cũng hay vào rừng chặt gỗ làm nhà, săn bắn thú rừng vì nhiều hộ sống đan xen giữa các cánh rừng. Nhưng gần đây, nhờ cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống cùng ăn, cùng ở với bà con để thuyết phục, giải thích cho bà con hiểu về lợi ích của rừng, của các loại cây gỗ quý nên nhận thức của bà con đã thay đổi rất nhiều. Rất nhiều hộ dân không chỉ bỏ thói quen đi vào rừng săn bắn, chặt cây mà còn tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ví như khu rừng này, nếu như không được bảo vệ và chăm sốc tốt thì cây du sam từ lớn đến nhỏ không thể sinh trưởng và phát triển tốt như thế này. Bà con cũng rất nhiều người biết giá trị của loài cây này nên càng quan tâm, để ý bảo vệ nó”.
 
Không riêng gì ông Lâm, hầu hết bà con làm công tác nhận khoán, bảo vệ rừng đều bày tỏ niềm tự hào không nhỏ về những thành quả mà họ làm được. Với họ, khu rừng gỗ du sam là điểm sáng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và còn là điểm nhấn về đa dạng sinh học của xã nói riêng, huyện nói chung. Bà con cũng cho thấy sự hiểu biết về các loại gỗ đặc trưng ở khu vực, và có ý thức bảo vệ nguồn gen quý hiếm cho các thế hệ mai sau.
 
NGUYỄN NGHĨA