Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh tuổi từ 13 - 17 tại Việt Nam là 2,6%. Vì suy nghĩ chưa chín chắn nên các bạn trẻ cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, nhưng cũng có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giảm bớt căng thẳng, hút dần thành quen và dẫn đến nghiện.
Nhiều bạn trẻ suy nghĩ đơn giản hút cho vui, mà không lường được hậu quả khi hút thuốc lá thường xuyên sẽ gây khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, làm tăng nhịp tim và giảm khả năng học tập ở trường vì khói thuốc lá khi giải phóng vào trong máu, tích lũy lâu sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, chất lượng và hiệu quả học tập sa sút, bào mòn tư duy chất xám, làm giảm khả năng sáng tạo của các em học sinh dẫn đến chán học, thích chơi.
Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang ngày càng gia tăng trong giới lớp trẻ, học sinh, sinh viên. Các bằng chứng chỉ rõ, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc hại giống như khói thuốc. Khói thuốc nung chứa nicotine, đây là chất gây nghiện cực mạnh và có nguy hại cho sức khỏe. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá.
Nguyên nhân của sự gia tăng hút thuốc lá điện tử bắt nguồn từ những sản phẩm có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều hương vị, giá rẻ… ngành công nghiệp thuốc lá nắm bắt nhanh thị hiếu, đặc biệt là các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá giả và trong giới trẻ để tung ra thị trường các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới nhắm đến người chưa hút thuốc, kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử. Bộ Y tế cũng đã đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng song vẫn chưa thể làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử, nếu không ngăn chặn kịp thời thuốc lá điện tử thì trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với hai tác hại từ cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lá truyền thống, thậm chí là các sản phẩm thuốc lá chứa ma túy trá hình. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh, thiếu niên trong trường học. Hút thuốc càng sớm thì bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh, thiếu niên, học sinh chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình.
Nhìn chung, hút thuốc lá trong học đường không nằm ngoài cách nghĩ thiên lệch của các bạn trẻ vì cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và đến nghiện. Khói thuốc không những gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh cho những người hút thuốc thụ động mà còn làm giảm khả năng sáng tạo, chất lượng và hiệu quả học tập, bào mòn tư duy chất xám của các em học sinh dẫn đến chán học, thích chơi và có những biểu hiện lôi kéo các bạn cùng hút cho vui.
Có thể nhận thấy, hút thuốc lá ở học đường đang ngày một gia tăng, mặc dù các trường đều nghiêm cấm hút thuốc lá, tuy nhiên việc quá dễ dàng mua một gói thuốc lá có lẽ là nguyên nhân chính làm cho tình trạng hút thuốc ở tuổi học sinh khó kiểm soát. Đã đến lúc, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, đồng thời việc phối hợp giáo dục, quản lý giữa gia đình và nhà trường cần chặt chẽ hơn.
Trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Vận động các em nói không với thuốc lá. Coi trọng các hình thức trực quan, các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sinh hoạt dưới cờ hàng tuần đều có tuyên truyền và đã cam kết không tàng trữ, không hút, không sử dụng các chất gây nghiện trong đó có thuốc lá. Ngăn chặn, không để các em tập hút, hút thuốc lá tại gia đình cũng như ở trường.
Trường học không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn giáo dục, hình thành nhân cách học sinh, góp phần xây dựng môi trường phát triển lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập. Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Vì vậy, việc phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học giúp các em học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước.
THỤY HỢP (CDC Lâm Đồng)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin