Khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng

06:07, 11/07/2022
Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) những năm gần đây được Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra, quá trình thực thi nhiệm vụ QLBVR vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức... 
 
Tăng cường hoạt động giám sát về thuê rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng cường hoạt động giám sát về thuê rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Lâm Đồng có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 596.642 ha (chiếm 60,99%) diện tích tự nhiên, phân bố tại 845 tiểu khu thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố. 
 
Song song với thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ phát triển rừng, nhiệm vụ trồng và chăm sóc rừng luôn được các cấp, ngành quan tâm và được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tỉnh Lâm Đồng trồng được 2.920 ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 320 ha, trồng rừng sản xuất 2.600 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 3.796 ha.
 
Năm 2021, cả tỉnh thu được 341,4 tỷ đồng để chi trả cho việc quản lý, bảo vệ trên 394.534 ha rừng, chủ rừng được chi trả là 15 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (264.941 ha); 8 chủ rừng là công ty lâm nghiệp (92.668 ha); 122 chủ rừng là tổ chức khác (30.184 ha) và 1.490 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (6.741ha).
 
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng là nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ hiệu quả cho công tác QLBVR của tỉnh, bình quân 1 ha rừng được chi trả 700.000 đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với mức chi trả bình quân cả nước (250.000 đồng/ha/năm). 
 
Tuy nhiên, hiện các vụ vi phạm pháp luật về rừng ngày càng phức tạp, khó lường. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng số vụ vi phạm là 110 vụ, diện tích rừng thiệt hại 20,49 ha, khối lượng gỗ khai thác trái pháp luật là 549,5 m3. So sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 122 vụ (tương ứng giảm 53%) nhưng diện tích thiệt hại tăng 4,97 ha (tương ứng tăng 32%), khối lượng gỗ khai thác trái pháp luật giảm 695 m3 (tương ứng giảm 56%). Tổng số vụ đã xử lý 84 vụ (trong đó, 77 vụ xử lý hành chính, xử lý hình sự 7 vụ), tịch thu 169,8 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1.388 triệu đồng. 
 
Được biết, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương triển khai nhanh hoạt động cho thuê rừng, hiện toàn tỉnh có 322 dự án/307 tổ chức thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án phát triển rừng với tổng diện tích là 52.722 ha.
 
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng đã tiến hành thu hồi 208 dự án với tổng diện tích là 30.469 ha. Nguyên nhân do chủ dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm các hoạt động; không tổ chức, bố trí lực lượng QLBVR trên diện tích thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn...
 
Tìm hiểu về những khó khăn liên quan đến công tác này chúng tôi được biết, tỉnh Lâm Đồng có diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, phức tạp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho công tác QLBVR; các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thường xảy ra ở địa bàn đặc thù (rừng núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh nhiều huyện, nhiều tỉnh), số vụ chưa xác định đối tượng vi phạm còn chiếm tỷ lệ khá cao (trên 34%), do đó rất khó khăn trong công tác điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm...
 
Theo phân tích của ngành Kiểm lâm: Nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập về công tác QLBVR hiện nay chính là do lực lượng bảo vệ rừng nói chung còn mỏng, lực lượng kiểm lâm luôn trong tình trạng quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn, bình quân 1 công chức kiểm lâm phải bảo vệ diện tích 2.000 - 3.000 ha rừng, có nơi phải bảo vệ trên 10.000 ha rừng, trong khi thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác QLBVR; chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện nay. Bên cạnh đó, áp lực công việc ngày càng lớn nên một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác QLBVR chưa thực sự an tâm, nhiệt huyết, hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao.
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tổng số công chức hiện có của Chi cục Kiểm lâm là 231 người/282 biên chế; lực lượng kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là 76 người/96 biên chế. Như vậy, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn thiếu 71 chỉ tiêu biên chế. Về định mức biên chế Kiểm lâm: Theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, quy định: “…bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011 - 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm)”. Như vậy, với tổng diện tích rừng là 538.741 ha thì lực lượng Kiểm lâm trên toàn tỉnh còn thiếu 161 biên chế.
 
Đó là những nguyên nhân dẫn đến công tác QLBVR tại Lâm Đồng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đòi hỏi mỗi công chức, viên chức trong ngành, mỗi đơn vị, tổ chức, địa phương cần phải nêu cao tinh thần gương mẫu, phát huy trách nhiệm, bản lĩnh để thực thi nhiệm vụ này tốt hơn nữa. Hướng đến giữ gìn bảo vệ rừng - nguồn tài nguyên quý giá, lá phổi xanh của tỉnh để tạo đà tăng tốc đột phá, phát triển mạnh, tạo nguồn thu từ kinh tế rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng từ rừng...
 
NGUYỆT THU