Kiên quyết thu hồi đất với những dự án chậm đầu tư

06:07, 01/07/2022
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào Lâm Đồng triển khai các dự án nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài quá lâu, gây lãng phí tài sản Nhà nước, bức xúc trong dư luận. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết thu hồi với những dự án không hiệu quả. Cụ thể, thu hồi đất của 210 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi là trên 8.470.105 m2 đất lâm nghiệp, 5.652.733 m2 đất sản xuất nông nghiệp và 557.254 m2 đất phi nông nghiệp.
 
Phát huy vai trò đại biểu dân cử, các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực phát huy vai trò giám sát trong triển khai các dự án. (Trong ảnh: Đoàn Giám sát HĐND tỉnh thực hiện chương trình công tác về giám sát các dự án khu vực hồ Tuyền Lâm chậm tiến độ).
Phát huy vai trò đại biểu dân cử, các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực phát huy vai trò giám sát trong triển khai các dự án. (Trong ảnh: Đoàn Giám sát HĐND tỉnh thực hiện chương trình công tác về giám sát các dự án khu vực hồ Tuyền Lâm chậm tiến độ)
 
Nghị quyết số 53-HĐND ngày 18/12/2021 quyết nghị danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất. Theo đó, xác định trong tổng số 210 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có diện tích đất thu hồi thì riêng thành phố Đà Lạt là 13 dự án với 508.846 m 2; huyện Lạc Dương 12 dự án với diện tích thu hồi 353.018 m 2; Đơn Dương 2 dự án với 33.600 m 2; Đức Trọng 4 dự án với 483.966 m 2; Lâm Hà 11 dự án với 772.052 m 2; Đam Rông 27 dự án với 1.872.759 m 2; Di Linh 3 dự án với 4.340 m 2; Bảo Lâm 7 dự án với 135.200 m 2; thành phố Bảo Lộc 15 dự án với 309.532 m 2; huyện Đạ Huoai 9 dự án với 208.500 m 2; huyện Đạ Tẻh 38 dự án với 936.363 m 2; Cát Tiên 29 dự án với 461.200 m 2. Ngoài ra, còn một số dự án ngoài ngân sách và một số dự án trải dài trên nhiều huyện, thành phố cũng bị thu hồi đất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Nhà nước. 
 
Theo thống kê từ năm 2005 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã giao 488 dự án cho 473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Do không triển khai dự án hoặc triển khai chậm tiến độ, không đúng với chứng nhận đầu tư, để rừng bị phá, lấn chiếm… nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với tổng diện tích 30.469 ha (gồm 172 dự án thu hồi toàn bộ/26.226 ha và 36 dự án thu hồi một phần/4.242 ha). Tỉnh Lâm Đồng hiện còn 322 dự án của 307 tổ chức, hộ gia đình được giao, cho thuê đất lâm nghiệp để đầu tư triển khai dự án với tổng diện tích 52.722 ha.
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào địa phương thực hiện các dự án trên nhiều lĩnh vực, Lâm Đồng thường xuyên có chính sách trải thảm đỏ, kêu gọi các nhà đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng được đánh giá là một trong những địa phương triển khai nhanh hoạt động cho thuê rừng, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 322 dự án/307 tổ chức thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án phát triển rừng với tổng diện tích là 52.722 ha. Đây là những nhiệm vụ hoàn toàn phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. 
 
Tuy nhiên, so với các địa phương trong cả nước, Lâm Đồng cũng là địa phương thực hiện việc thu hồi rất nhiều với tổng số 208 dự án trên tổng diện tích là 30.469 ha. Nguyên nhân chính là do chủ dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm các hoạt động; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn... làm tổn thất về tài sản Nhà nước, lãng phí nguồn tài nguyên, làm chậm tiến độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. 
 
Vấn đề đặt ra hiện nay đó chính là uy tín và trách nhiệm của các nhà đầu tư đối với các dự án được phê duyệt triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc hình thành dự án, thúc đẩy tiến độ, thi công, sớm hoàn thành đi vào hoạt động của dự án chính là khẳng định uy tín và năng lực nhà đầu tư. Chính vì vậy, với những chính sách ưu đãi tốt nhất, thủ tục hành chính gọn nhất, lãnh đạo tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã, đang và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình lập và triển khai dự án. 
 
Với những lợi thế khác biệt so với nhiều địa phương khác, Lâm Đồng luôn sẵn sàng chào đón những nhà đầu tư tâm huyết, tiềm năng. Tiếp tục mong muốn đồng hành, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, có uy tín cùng thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, đô thị, du lịch sinh thái, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, an sinh xã hội… vì mục tiêu chung. Từ đó. hướng đến đảm bảo cho địa phương, cho vùng, miền ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, tươi đẹp hơn, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. 
 
HÀ NGUYỆT