Phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030: Những giải pháp chiến lược

06:07, 01/07/2022
Tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030 với nhiều mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, cần triển khai nhiều giải pháp phù hợp với đặc điểm trên từng địa bàn.
 
Lâm Đồng đạt tổng sản lượng 4 tỷ cành hoa thu hoạch, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu vào năm 2030
Lâm Đồng đạt tổng sản lượng 4 tỷ cành hoa thu hoạch, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu vào năm 2030
 
•  PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG CHUYÊN CANH CÂY CHỦ LỰC QUY MÔ LỚN
 
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành triển khai chiến lược nói trên gắn với việc thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Lâm Đồng đạt tăng trưởng bình quân hàng năm các chỉ số ngành Nông - lâm - thủy 4 - 4,5%; năng suất lao động 5,5 - 6%; giá trị xuất khẩu nông sản 8 - 10%, trong đó tỉ trọng nông sản chế biến đạt từ 35% trở lên. Thu nhập người dân tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Hằng năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo hơn 1,5%. Bên cạnh đó, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng với các chỉ tiêu 100% công trình thủy lợi trọng điểm được khởi công; cứng hóa 90% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; 75% diện tích canh tác được tưới; 40% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. 
 
Giải pháp trước hết, Lâm Đồng tiếp tục xác định phát triển trồng trọt chuyên canh theo hướng quy mô lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, an toàn, hiệu quả kinh tế cao, tập trung canh tác các loại cây trồng chủ lực có lợi thế so sánh trên địa bàn. Qua đó, đến năm 2030, Lâm Đồng chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ, diện tích cây cà phê kém hiệu quả từ 2.500 - 3.000 ha để “bổ sung” tổng diện tích trồng rau lên 26.500 ha, tổng sản lượng 2,8 triệu tấn. Với cây hoa, Lâm Đồng chú trọng chuyển đổi canh tác các giống hoa mới, phù hợp với từng khu vực sinh thái, đồng thời từng bước sản xuất các giống hoa bản quyền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tổng diện tích gieo trồng cây hoa đạt được đến năm 2030 khoảng 11.000 ha, tổng sản lượng 4 tỷ cành cùng 500 triệu chậu hoa các loại. 
 
Giải pháp tiếp theo, với cây cà phê, tỉnh tiếp tục đưa vào kế hoạch tái canh 55.000 - 60.000 ha, kết hợp nhân rộng ngày càng nhiều mô hình cảnh quan bền vững. Tổng diện tích cà phê duy trì 150.000 ha, trong đó có 15.000 ha cà phê arabica với các giống mới chất lượng cao được thay thế trên các vùng sinh thái Đà Lạt, Lạc Dương như: Bourbon, Typica… Tương tự, cây chè duy trì diện tích khoảng 10.000 ha, tổng sản lượng 150.000 tấn/năm. Bằng biện pháp chuyển đổi chè hạt sang chè cành, chè già cỗi, năng suất thấp sang chè Ôlong chất lượng và năng suất cao, nhằm đến năm 2030 đạt tỉ lệ 50% diện tích chè chất lượng cao trong toàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
•  THAM GIA SÂU VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU
 
Cùng thời gian trên, đến năm 2030, Lâm Đồng chọn lựa các loại cây ăn quả giống mới như sầu riêng, bơ… để mở rộng diện tích trồng xen canh với cây chè, cây cà phê, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất, đạt khoảng 50.000 ha, tổng sản lượng khoảng 60.000 tấn. Hoặc cây mắc ca với biện pháp trồng xen trên vườn cà phê nói riêng, trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm sản xuất nông nghiệp nói chung khoảng 15.000 ha, tổng sản lượng khoảng 22.000 tấn. Ngoài ra, Lâm Đồng chú trọng giải pháp phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (1.000 ha) và trên đất nông nghiệp (1.500 ha) gắn với đẩy mạnh chế biến thực phẩm chức năng, dược phẩm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu… 
 
Bên cạnh giải pháp mở rộng diện tích, chiến lược đến năm 2030 của Lâm Đồng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để đạt 30% diện tích nông nghiệp đạt các tiêu chí ứng dụng công nghệ cao; 30.000 ha vùng chuyên canh theo từng loại cây trồng công nghệ cao, công nghệ thông minh. Đặc biệt, theo UBND tỉnh, từ nay đến năm 2030: “Lâm Đồng xây dựng chính sách hỗ trợ người nông dân trở thành chủ thể sản xuất thực sự, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị…”. Cụ thể hóa quan điểm này, Lâm Đồng phát triển chuỗi giá trị theo tiêu chí “Doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, doanh nghiệp là trung tâm, nông dân là chủ thể”, hướng tới phát triển hoạt động 300 chuỗi liên kết vào năm 2030, trong đó có ít nhất 5 chuỗi liên kết đạt diện ngành hàng chủ lực quy mô lớn; tỉ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi hơn 60%. Toàn tỉnh có tổng số 550 hợp tác xã, trong đó hơn 80% số hợp tác xã đạt hiệu quả khá. Riêng tỉ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt khoảng 90%. Tỉ lệ tổn thất thu hoạch giảm xuống dưới 8%. 
 
Xác định những nhóm giải pháp triển khai nêu trên, Lâm Đồng hướng đến trở thành Trung tâm Nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nói riêng, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững nói chung, trong đó tạo ra hàng hóa nông sản có giá trị, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu…
 
VĂN VIỆT