[links()]
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; và “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Với nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng cũng không nằm ngoài lời dạy sâu sắc và điều mong muốn thiêng liêng ấy của Người.
Bài 1: Rừng Tây Nguyên - Nóc nhà Đông Dương
Bài viết của chúng tôi giới hạn phạm vi đối tượng nghiên cứu chỉ thuộc địa bàn khu vực rừng Tây Nguyên, bao gồm 5 tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó, trọng tâm liên hệ sâu đến vùng Nam Tây Nguyên là tỉnh Lâm Đồng với mối liên quan về cơ chế phối hợp, nhất là khu vực rừng giáp ranh giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của các tỉnh. Hiện, Lâm Đồng có rừng giáp ranh dài khoảng 440 km với 7 tỉnh.
Lợi dụng đường Trường Sơn Đông (ĐT 722) nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk, lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép đã bị kiểm lâm mai phục bắt. |
Rừng khu vực Tây Nguyên là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, có tầm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Đối với tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây có nhiều chuyển biến rõ nét, những bài học ở địa phương góp phần đúc kết kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung.
•
NỖ LỰC NÂNG TỶ LỆ CHE PHỦ RỪNG LÊN 49,2%
Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng Tây Nguyên còn hơn 2,5 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Trong đó, rừng tự nhiên có gần 2,2 triệu ha, rừng đặc dụng 479.257 ha, rừng phòng hộ 547.822 ha, rừng trồng 368.734 ha và rừng sản xuất hơn 1,5 triệu ha. Thực tế tồn tại 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng là chuyển đổi rừng và phá rừng. Trong 5 năm (từ 2010 - 2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%.
Bắt quả tang lâm tặc vận chuyển gỗ khai thác trái phép trên đường chở về tỉnh Bình Thuận |
Tính chất đặc biệt quan trọng và cấp thiết của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khôi phục rừng Tây Nguyên đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị về khôi phục bền vững vùng Tây Nguyên vào tháng 6/2016. Với vị trí chiến lược quan trọng của rừng Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo vệ rừng, theo đó, hệ quả tích cực sẽ góp phần đưa Tây Nguyên chuyển mình lên bước phát triển mới. Tại Hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng cho hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự, yêu cầu phải tôn vinh những tập thể, cá nhân, lực lượng làm tốt công tác bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng trên địa bàn, giao nhiệm vụ này tới xã, huyện, cấp kinh phí và bố trí lực lượng kiểm lâm theo quy định. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đề ra, gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%.
•
XỬ LÝ KỶ LUẬT NHIỀU CÁN BỘ LÃNH ĐẠO VI PHẠM
Tại Tây Nguyên, nhiều thời điểm đã xảy ra các vụ khai thác lâm sản, phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự nông thôn. Trong năm 2021, rừng tự nhiên Tây Nguyên tiếp tục giảm hơn 12.000 ha. Hệ lụy là vừa giảm về diện tích vừa suy giảm về trữ lượng. Đến thời điểm hiện nay, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này trở thành rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu chỉ còn gần 30%, tập trung ở các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn. Bài toán bảo vệ cho được rừng Tây Nguyên luôn khó giải đối với cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp quản lý rừng.
Rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Chính Thành |
Bảo vệ rừng bên cạnh những cơ chế, chủ trương, chính sách, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần coi trọng và trước tiên là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người đứng đầu, những cán bộ liên quan phải là hạt nhân tích cực, được trui rèn về năng lực và đặc biệt là phẩm chất của người thực thi công vụ. Vì vậy, muốn rừng giữ được màu xanh và phát triển bền vững, cùng biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra tình trạng phá rừng.
Gần đây, một số địa phương trong cả nước nhiều cán bộ phải chịu các hình thức kỷ luật vì liên quan đến mất rừng, mất đất lâm nghiệp. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, các cấp ủy, chính quyền đã thực thi mạnh tay nhiệm vụ này. Đơn cử một vài vụ điển hình gần đây. Ở tỉnh Đắk Nông, năm 2018, thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ có sai phạm liên quan công tác quản lý, bảo vệ rừng, buông lỏng lãnh đạo, có biểu hiện vun vén cho gia đình. Cụ thể tại huyện Tuy Đức, bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND các thời kỳ; giám đốc Sở Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,… tại huyện Đăk G’Long, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy; Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện... Ở Đắk Lắk, đầu năm 2022, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp huyện bị xử lý kỷ luật, trong đó có nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo… Ở Lâm Đồng, trong tháng 6/2022, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can một lúc 7 đối tượng là lãnh đạo UBND xã, cán bộ, nhân viên ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm trên một địa bàn cấp huyện…
(CÒN NỮA)
PHAN MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin