Bảo vệ rừng - bắt đầu từ công tác cán bộ (Bài 3)

12:07, 27/07/2022
[links()]
Bài 3:  Kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm
 
Công tác cán bộ luôn được coi trọng vừa bằng cả việc nêu gương và thực hiện việc xử lý nghiêm các khuyết điểm, vi phạm. Bảo vệ rừng tốt có tính hữu cơ với bảo vệ uy tín đội ngũ cán bộ, đây là chủ trương và hành động ở Lâm Đồng.  
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 144B, Đà Lạt (ngày 19/5/2022)
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại Tiểu khu 144B, Đà Lạt (ngày 19/5/2022)
 
  XỬ LÝ NGHIÊM CÁ NHÂN, TẬP THỂ VI PHẠM
 
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp. Đặc biệt, các vụ vi phạm nổi cộm hoặc gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Cùng với đó, kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện và cấp xã, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm...
 
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu đơn vị chủ rừng, kiểm lâm, UBND cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân liên quan thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngày 9/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND bãi bỏ toàn bộ Quyết định 102/2004 vì văn bản này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đây là động thái rất đúng đắn, mang tính cấp thiết. Đã đến lúc cần lượng hóa mức độ và tính chất vi phạm của tập thể, cá nhân giúp các cơ quan chức năng đảm bảo đủ những cơ sở pháp lý theo quy định để xử lý và đề xuất xử lý. Nhất là đối với chủ rừng, chủ dự án, trong thực tế, tuy có chế tài nhưng rất khó xử lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với 30.469 ha. Lý do được kết luận: Không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn; thậm chí lợi dụng để sử dụng diện tích rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích được phê duyệt... Song, trên thực tế mới chỉ dừng lại thu hồi dự án, còn xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu liên quan chưa thực sự đạt được tính răn đe.  
 
Cũng cần ghi nhận, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực và có những bước quyết liệt trong việc xử lý kỷ luật đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngày 27/4/2022, theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến thời điểm này, đã có 13 cơ quan, đơn vị và 161 cán bộ, nhân viên trong ngành Kiểm lâm, chủ rừng, cán bộ UBND cấp xã bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ là lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn… Các cá nhân bị xử lý kỷ luật do sai phạm, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp…Trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh xảy ra hơn 2.850 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (trước đây là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng) với tổng diện tích rừng bị phá trên 204 ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại 12.240 m³ và 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 430 ha. Các hình thức kỷ luật đã thực thi là khiển trách, cảnh cáo, chậm nâng lương, cách chức, buộc thôi việc, luân chuyển công tác và cả truy cứu trách nhiệm hình sự. 
 
Thời gian gần đây, việc xử lý trách nhiệm cán bộ trong ngành Kiểm lâm, các địa phương cấp xã và chủ rừng được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao và quyết liệt. Thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tại báo cáo giải trình một số nội dung cử tri và đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, ngày 8/7/2022, sáu tháng đầu năm 2022, địa phương đã xử lý kỷ luật 5 tập thể, 22 cá nhân do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức để điều tra về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cho rằng, con số trên đã thể hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa đáp ứng theo yêu cầu cũng như nghị quyết của Tỉnh ủy. Và điều đáng buồn, gây dư luận không tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh là có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của cán bộ, kiểm lâm, ban quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở. 
 
Mặc dù cũng có những tâm tư của không ít cán bộ liên quan, nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022: “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”. Công tác phòng và chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. 
 
  KIÊN QUYẾT CHẤN CHỈNH VÀ SẮP XẾP LẠI 
 
Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng luôn rất khó khăn, nhất là đối với những người trực tiếp thi hành công vụ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, không thể khó mà bất lực. Thông tin với báo chí, ngày 11/7/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp thẳng thắn khẳng định: “Việc vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian vừa qua là phức tạp, tinh vi và có dấu hiệu tội phạm”. Ông Hiệp cho rằng: “Việc quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng các cấp, các ngành từ trước tới nay chúng ta có nhiều sơ hở, thậm chí có giai đoạn buông lỏng. Bây giờ đã được chấn chỉnh và sắp xếp lại”. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã giao trách nhiệm cho ngành Công an lập chuyên án để điều tra xử lý các đối tượng đầu nậu, băng nhóm liên quan; đồng thời hỗ trợ nghiệp vụ cho các địa phương. “Tiếp tục điều tra làm rõ xác minh xem có tình trạng cán bộ, công chức cấu kết, dung túng với các đối tượng này không. Đây là việc làm thường xuyên”, ông Hiệp chỉ đạo. 
 
Bài học kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Lâm Đồng là cả hệ thống chính trị thực tâm vào cuộc, toàn dân cùng tham gia, tham gia quyết liệt thì mới thực sự có hiệu quả. Địa phương, đơn vị chủ rừng nào thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức liên quan thì ở địa phương và đơn vị đó mới hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
 
(CÒN NỮA)
 
PHAN MINH ĐẠO