(LĐ online) - Dù chủ đầu tư đã hoàn tất 100% các hạng mục thi công, sẵn sàng tích nước phát điện từ đầu tháng 7/2022 nhưng Dự án Thuỷ điện Đại Bình (trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc) vẫn chưa thể đưa vào vận hành bởi đang vướng về công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với 38 hộ dân ở khu vực lòng hồ.
Dự án Thuỷ điện Đại Bình có tổng vốn đầu tư 587 tỷ đồng, công suất thiết kế 15 MW được triển khai thi công từ tháng 12/2015. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ là 155 hộ với tổng diện tích thu hồi 39,3 ha; trong đó, diện tích đủ điều kiện đền bù là 34,1 ha, không đủ điều kiện là 5,2 ha (đất lấn chiếm hành lang sông suối, đất không có sổ). Đến nay, có 117 hộ nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, còn lại 38 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ.
|
Ông Trần Văn Tám (xã Lộc Nga) bên vườn sầu riêng của gia đình đang trong diện đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án Thủy điện Đại Bình |
CHỦ ĐẦU TƯ TĂNG MỨC HỖ TRỢ, NGƯỜI DÂN VẪN KÊU CHƯA THỎA ĐÁNG
Liên quan đến diện tích đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Nhà máy Thuỷ điện Đại Bình (tại xã Lộc Nga), ông Trần Văn Tám cho biết: Gia đình ông có hơn 6.400 m2 đất sản xuất nông nghiệp nằm trong diện phải thu hồi. Theo phương án đền bù mới nhất, gia đình ông được nhận tổng số tiền đền bù và hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng, bình quân 750 triệu đồng/1.000 m2. Trong đó, giá đền bù được phê duyệt là hơn 2,9 tỷ đồng, còn lại 1,88 tỷ đồng là do chủ đầu tư hỗ trợ thêm. Dù đã được hỗ trợ số tiền chênh lệch khá lớn nhưng ông Tám vẫn mong muốn giá trị đền bù được nhận là 1 tỷ đồng/1.000 m2”.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (xã Lộc Nga) cũng cho rằng giá đền bù, hỗ trợ hiện tại được áp dụng chưa thỏa đáng, gây khó khăn cho gia đình khi thực hiện tái đầu tư sản xuất. Cụ thể, gia đình ông Hùng có hơn 11.600 m2 đất sản xuất nằm trong diện thu hồi để bàn giao mặt bằng cho Nhà máy Thủy điện Đại Bình. Tổng số tiền gia đình ông được đền bù và hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đền bù theo phương án phê duyệt là hơn 3,7 tỷ đồng, giá trị chủ đầu tư hỗ trợ thêm là 4,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, giá thị trường của một sào đất nông nghiệp tại khu vực này hiện khoảng 1,2 tỷ đồng nên ông mong muốn được nhận đền bù với giá trị tương đương để có thể mua lại miếng đất khác canh tác, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) cho biết: Thời gian qua, UBND xã cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bảo Lộc và đại diện chủ đầu tư tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa thống nhất về mức giá đền bù, hỗ trợ nên chưa nhận tiền đền bù.
|
Dự án Thuỷ điện Đại Bình đủ điều kiện tích nước nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì đang vướng giải phóng mặt bằng đối với 38 hộ ở khu vực lòng hồ |
CHỦ ĐẦU TƯ: KHÔNG THỂ ĐỀN BÙ THEO GIÁ “BONG BÓNG” CỦA THỊ TRƯỜNG
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần điện Bình Thủy Lâm Đồng gửi Sở Công thương và UBND tỉnh Lâm Đồng: Đến nay, toàn bộ công tác đầu tư dự án đã hoàn thành, nhà máy đã sẵn sàng tích nước để phát điện. Khi tích nước giai đoạn 1 đến cao độ +701,0 m, trước mắt sẽ có 18 hộ chưa nhận tiền bồi thường bị ảnh hưởng.
Công ty Cổ phần điện Bình Thủy Lâm Đồng cho biết đã hỗ trợ ngoài khung chính sách Nhà nước từ 2 tới 2,5 lần so với đơn giá cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Theo đơn giá bồi thường về đất, tài sản, hoa màu trên đất, hỗ trợ công trình, vật kiến trúc... được cơ quan chức năng phê duyệt tại địa bàn xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) từ 310 - 340 triệu/1.000 m2, còn tại các xã Lộc Thành và Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) từ 190 - 210 triệu/1.000 m2. Trong khi đó, hầu hết 38 hộ dân tại địa bàn TP Bảo Lộc (30 hộ) và Bảo Lâm (8 hộ) có yêu cầu mức bồi thường và hỗ trợ đất, tài sản trên đất từ 1 - 1,5 tỷ/1000 m2.
Ông Nguyễn Văn Quân – Giám đốc Công ty Cổ Phần điện Bình Thủy Lâm Đồng khẳng định doanh nghiệp không thể hỗ trợ theo mức giá “bong bóng” của thị trường như người dân yêu cầu. Theo ông Quân, tổng số tiền đền bù đất và tài sản trên đất mà nhà nước phê duyệt là 90,8 tỷ đồng. Tới thời điểm này, Công ty đã chi trả đền bù và hỗ trợ ngoài khung chính sách Nhà nước lên tới 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn bộ phần đất hành lang sông, suối người dân canh tác, đất không có sổ và cây trồng vượt mật độ Nhà nước không bồi thường, chủ đầu tư vẫn tính toán bồi thường theo mức giá đất có sổ.
Để chia sẻ và tạo sự đồng thuận với người dân, chủ đầu tư đã lập kế hoạch đề xuất và đã được UBND TP Bảo Lộc, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP Bảo Lộc (cơ quan lập hồ sơ bồi thường) thống nhất hỗ trợ thêm giá đất nông nghiệp ngoài khung chính sách, đơn giá quy định của Nhà nước với mức từ 265.000 - 280.000 đồng /m2 tùy theo vị trí.
“Qua nhiều cuộc làm việc, tuyên truyền vận động, các hộ dân đều yêu cầu công ty phải đền bù, hỗ trợ đất theo mức đã kiến nghị. Tuy nhiên, với việc giá đất đang trong giai đoạn “sốt” như hiện nay, doanh nghiệp không thể đáp ứng theo yêu cầu của người dân” - ông Quân nói và cho rằng nếu không sớm hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng để tích nước phát điện giai đoạn 1 thì chủ đầu tư có thể phá sản.
“Trung bình mỗi tháng, nếu dự án không phát điện được thì chủ đầu tư thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng tiền doanh thu, lãi vay, trả nợ gốc ngân hàng và các chi phí khác, chưa kể thiết bị máy móc đã lắp đặt xong không phát điện sẽ dẫn đến hoen rỉ, hư hỏng theo thời gian. Do đó, công ty rất mong nhận được sự đồng thuận của người dân để sớm đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ” - ông Quân chia sẻ
CẦN SỚM GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG DỨT ĐIỂM
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở mới đây đã lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực địa tại công trình xây dựng Thủy điện Đại Bình. Để tích nước đến cao trình 701 m thì chủ đầu tư phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho 6 hộ tại huyện Bảo Lâm với diện tích khoảng 2 ha và 12 hộ tại TP Bảo Lộc với diện tích khoảng 5,5 ha. Qua kiểm tra, các hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền đền bù, vì vậy, Dự án Thủy điện Đại Bình chưa đủ điều kiện để tích nước như theo đề nghị của chủ đầu tư. Theo Sở Công thương, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm các tồn tại nêu trên sẽ gây thiệt hại cho chủ đầu tư; đồng thời, thiệt hại cho Nhà nước vì thất thu tiền thuế.
“Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án sớm được tích nước phục vụ cho việc vận hành chạy thử thiết bị; đồng thời, hoàn thành công tác nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành, khai thác, Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các tồn tại, tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án tích nước đến cao trình 701 m phục vụ cho việc vận hành chạy thử thiết bị, cũng như hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 từ cao trình 701 m đến 704,64 m”, báo cáo từ Sở Công thương kiến nghị.
Liên quan tới nội dung trên, ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 5679 giao UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm xem xét nội dung đề nghị của chủ đầu tư, xử lý theo quy định; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 8/2022.
Về phía UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, để giải quyết hài hoà giữa quyền lợi của người dân và chủ đầu tư liên quan tới công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thời gian qua, 2 địa phương trên đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp cùng chủ đầu tư đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường để giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc vận động người dân trong công tác nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng vẫn chưa đạt kết quả.
C. THÀNH - H. SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin