Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Bảo Lâm, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, chính sách còn tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của họ về ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm và các thành viên tổ nhận khoán tổ chức đi tuần tra bảo vệ rừng |
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh Lâm Đồng giao quản lý diện tích rừng và đất rừng trên 26.398 ha bao gồm 45 tiểu khu thuộc địa giới hành chính của 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 22.902 ha, rừng và đất rừng phòng hộ 3.459 ha, ngoài lâm nghiệp hơn 35 ha. Tổng diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng khoán là 25.093 ha. Trong đó Công ty thực hiện khoán cho 1.215 hộ dân với diện tích 21.241 ha và giao khoán cho 2 tập thể 1.468 ha, còn lại 3.851 ha đơn vị tự quản lý.
Số hộ dân nhận khoán được chia thành 28 tổ, mỗi tổ được ủy quyền cho một người làm tổ trưởng đại diện ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với Công ty trong thời hạn 2 năm. Dựa trên cơ sở này, Công ty xây dựng lịch trực tuần tra bảo vệ rừng cho từng tổ, hộ nhận khoán và có kế hoạch kiểm tra hàng tuần.
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp về xã Lộc Bắc và Lộc Bảo, hai xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện Bảo Lâm. Vùng này bây giờ có nhiều đổi thay, đường giao thông và cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư nên diện mạo cũng thay đổi khá nhiều so với hơn chục năm trước. Tuy nhiên, hiện người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các cánh rừng thuộc Trạm Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng Trảng Cỏ của Công ty , ông Nguyễn Minh Lịch - Phó Giám đốc Công ty cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã thu hút người dân trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hầu hết các hộ nhận khoán đều là người dân tộc thiểu số. Người địa phương vốn quen sống với rừng, thông thạo đường rừng nên thời gian qua, việc phối hợp thực hiện tuần tra quản lý khá tốt. Những hộ nhận khoán được hưởng phí bảo vệ rừng nên ngày càng có ý thức trong việc chấp hành tốt các quy định của công ty, của pháp luật liên quan đến rừng. Ý thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được nâng lên rõ rệt. Người dân tích cực tham gia đi tuần tra, thay phiên nhau trực đêm để QLBVR. “Những năm qua, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động nhiều mặt đối với cuộc sống của người dân, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Một mặt giúp người dân cải thiện cuộc sống, mặt khác giúp họ có ý thức bảo vệ rừng và có trách nhiệm để giữ màu xanh cho những cánh rừng”, ông Nguyễn Minh Lịch nói.
Chia sẻ với tôi, ông K’Tồi, ở Thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm cho biết, gia đình ông được nhận khoán QLBVR đã gần 20 năm nay. Ông cùng với các hộ nhận khoán thời gian gần đây thường xuyên phối hợp với Công ty và tiểu khu lập kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng. Các nhóm luân phiên nhau tổ chức tuần tra ở những khu vực nóng, địa bàn có nguy cơ xảy ra các vụ vi phạm lâm luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng để kịp thời phát hiện và báo cáo Công ty xử lý. Việc nhận khoán QLBVR để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng đi vào thực chất. Làm hiệu quả thì mới được hưởng lợi từ nguồn tiền này và hàng năm, phía Công ty đều có đánh giá để xét xem ký kết tiếp hay thu hồi, vì vậy mà người dân ý thức rất cao về trách nhiệm và quyền lợi của mình.
“Mặc dù số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi quý chúng tôi nhận không lớn so với nhiệm vụ ngày càng cao, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng nhưng với người dân vùng xa như chúng tôi nó luôn có ý nghĩa rất lớn. Về mặt tinh thần thì đó là sự khuyến khích, ghi nhận rất lớn của Nhà nước đối với những người dân tham gia bảo vệ rừng, còn về mặt vật chất thì số tiền này cũng đủ để giúp các hộ dân chúng tôi có thêm một khoản tiền ổn định để mua phân bón và một số thứ khác phục vụ trồng trọt hoặc mua cám, thức ăn đầu tư cho chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình”, ông K’Bách, Thôn 4, Lộc Bắc tâm sự.
Ông Nguyễn Trần Hùng - cán bộ Phòng Kỹ thuật quản lý rừng phụ trách công tác giao khoán cho biết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho các hộ nhận khoán, tăng cường hiệu quả QLBVR, hiện Công ty thực hiện giao khoán và tổ chức giám sát, kiểm tra rất nghiêm. Công ty tổ chức 19 chốt trực, có cả chỗ lưu trú ban đêm cho các tổ, nhóm trực 24/24. Cứ 2 năm 1 lần, công ty tổ chức đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của các hộ nhận khoán trên cơ sở công khai, minh bạch, sau đó mới quyết định có tiếp tục ký lại hợp đồng mới hay không.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác giao khoán, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc còn tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ QLBVR, tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền việc thực hiện Luật Lâm nghiệp và nghị định mới liên quan đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán. Đây là dịp để các hộ nhận khoán QLBVR học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng luật, nghị định trong thực tế.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin