Mặc dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhưng thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trên địa bàn xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp…
Vụ phá rừng tại tiểu khu 158D, đến nay vẫn chưa truy tìm được thủ phạm cưa hạ thông |
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã Tà Nung đã phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm lâm luật (số vụ vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý của Ban Quản lý Rừng Lâm Viên 15 vụ; Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung 7 vụ; Công ty TNHH Thanh Đa 6 vụ), trong đó thiệt hại về rừng là trên 33.000 m
2 và hơn 151 m
3 gỗ các loại. Trong số này, ngoài 1 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, còn lại 2 vụ khai thác rừng trái phép, thiệt hại về rừng 400 m
2, với khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 8,6 m
3 gỗ; 25 vụ phá rừng, gây thiệt hại về rừng trên 32.000 m
2, lâm sản thiệt hại hơn 142,8 m
3. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý hành chính 25 vụ, với số tiền phạt hơn 514,8 triệu đồng, tuy nhiên đến nay mới 18 vụ chấp hành nộp phạt. Và, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 2 vụ; 1 vụ còn lại đang điều tra truy tìm thủ phạm hủy hoại rừng thông phòng hộ tại Tiểu khu 158D.
Các đơn vị chủ rừng và cơ quan liên quan cũng đã phát hiện, xử lý hành chính 31 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với hơn 60.000 m
2 (trong đó số vụ xảy ra trên lâm phần thuộc Ban Quản lý Rừng Lâm Viên quản lý 16 vụ; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung 14 vụ; Công ty TNHH Thanh Đa 1 vụ). Trong đó, đã chuyển cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, với số tiền phạt hơn 311 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 vụ chấp hành đóng phạt với số tiền hơn 103 triệu đồng, số còn lại 17 vụ, với số tiền phạt 208 triệu đồng vẫn chưa chấp hành.
Theo cơ quan chức năng TP Đà Lạt, tính đến thời điểm này, chính quyền địa phương đã thực hiện cưỡng chế, giải tỏa gần 42.000 m
2/26 vụ, 5 vụ còn lại với hơn 18.000 m2 chưa thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan liên quan còn thực hiện giải tỏa nóng (giải tỏa ngay, không lập biên bản) 10 vụ, với diện tích trên 18.000 m
2.
Cũng theo cơ quan chức năng TP Đà Lạt, trong những năm qua, công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng giữa các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, Ban Lâm nghiệp xã được tăng cường, phối hợp chặt chẽ, hầu hết các vụ vi phạm về lâm luật đều được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Tà Nung chưa phát hiện được đối tượng vi phạm còn nhiều; môt số vụ vi phạm chậm phát hiện dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý kém hiệu quả. Việc sử dụng xe cơ giới san ủi, cải tạo mặt bằng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhiều trường hợp vi phạm nổi cộm trên địa bàn xã Tà Nung chưa được xử lý triệt để, như vụ vi phạm hủy hoại đất, phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 158B, thuộc dự án của Công ty TNHH Thanh Đa, các đối tượng vi phạm, gồm Lê Văn Thành và Lê Ngọc Thuần hiện vẫn đang sản xuất nông nghiệp và dựng chòi ván, mái lợp tôn trên diện tích đất rừng. Hay vụ phá rừng trái pháp luật tại Khoảnh 5, Tiểu khu 158D, đến nay đã hơn 5 tháng nhưng vẫn chưa truy được thủ phạm cưa hạ thông; và vụ bao chiếm đất lâm nghiệp tại các Lô 3, Lô 9, Tiểu khu 160A, suối Nước Trong, lâm phần thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung quản lý.
Một cán bộ ngành Lâm nghiệp cho biết, vẫn còn đó tình trạng cán bộ ngại va chạm, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm. Nhiều trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không có biện pháp chế tài cũng như chưa quan tâm đề xuất hướng xử lý dứt điểm vụ việc nên thiếu tính răn đe, giáo dục. Trong khi, công tác giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm trái phép cũng chưa thực hiện triệt để, nhất là tại Tiểu khu 160A, thuộc khu vực suối Nước Trong, làm dư luận bất bình.
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, UBND xã Tà Nung cần sớm tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt hành chính đã ban hành nhưng các đối tượng vi phạm chưa chấp hành đối với các hành vi lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt mạnh tay thực hiện kế hoạch giải tỏa, trồng lại rừng trên diện tích đất rừng bị bao chiếm trái phép. Và, xử lý triệt để các công trình nhà không phép trên đất rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía cơ quan Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cần chủ động phối hợp với Công an thành phố Đà Lạt, UBND xã Tà Nung tổ chức điều tra, truy tìm thủ phạm cưa hạ thông tại Lô 1, Khoảnh 5, Tiểu khu 158D, lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung quản lý, để xử lý nghiêm theo luật định.
THỤY TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin