Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ rừng

04:08, 11/08/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, giải ngân đầu tư công. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, chậm trễ tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại Tiểu khu 144B, TP Đà Lạt
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo xử lý vụ phá rừng tại Tiểu khu 144B, TP Đà Lạt
 
Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2022 vừa được ban hành, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, tổng diện tích gieo trồng tăng 7,5% so với cùng kỳ; chăn nuôi đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, tăng trưởng 7 tháng đầu năm đạt 12%; lĩnh vực dịch vụ duy trì tốc độ phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng; lượng khách du lịch tăng trên 120%, khách qua lưu trú tăng mạnh so cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ thu ngân sách nhà nước tăng khá, nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. 
 
Riêng công tác quản lý, bảo vệ rừng, các ngành, lực lượng chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện công tác trồng rừng, trồng cây xanh theo kế hoạch trồng 6,6 triệu cây xanh trong năm 2022. UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật nổi cộm trên địa bàn tỉnh. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số vụ vi phạm về rừng giảm 48% (giảm 146 vụ), lâm sản thiệt hại giảm 7,3% (giảm 5,72 m 3) so với cùng kỳ. Mặc dù tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng vẫn còn phức tạp, diện tích rừng thiệt hại 28 ha, tăng 9,3 ha (tăng 49,7%) so với cùng kỳ. 
 
Một số địa phương để xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gồm huyện: Lạc Dương 35 vụ, diện tích thiệt hại 9 ha, lâm sản thiệt hại 289,9 m 3; Đức Trọng 14 vụ, diện tích thiệt hại 1,68 ha, lâm sản thiệt hại 105,9 m 3; Đam Rông 26 vụ, diện tích thiệt hại 8,6 ha, lâm sản thiệt hại 154,2 m 3; Bảo Lâm 17 vụ, diện tích thiệt hại 1,19 ha, lâm sản thiệt hại 132,2 m 3... 
 
UBND tỉnh đánh giá tiến độ điều tra, xác minh và xử lý các đối tượng vi phạm liên quan đến rừng của cơ quan chức năng còn chậm; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt, quyết tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng như đã chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trước đó, ngày 8/7, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 6 (Khóa X - nhiệm kỳ 2021-2026), đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của chính quyền, kiểm lâm, ban quản lý, bảo vệ rừng trong các vụ phá rừng, lấn đất lâm nghiệp. Chính vì thế, công tác quản lý, bảo vệ rừng dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo nhưng vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nổi cộm, phức tạp, thủ đoạn tinh vi. 
 
Để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, biến thách thức thành cơ hội; nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biển đổi khí hậu, yêu cầu của thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp… 
 
Riêng các vấn đề liên quan đến rừng, tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật nổi cộm trên địa bàn tỉnh, kể cả việc người dân lấn chiếm đất thực hiện dự án của doanh nghiệp. 
 
Thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 và trồng 6,6 triệu cây xanh năm 2022 theo kế hoạch. Tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các Huyện ủy, Thành ủy tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. 
 
Đặc biệt, phải quan tâm đến một số vấn đề trọng tâm như công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn, nhất là các địa phương để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trong thời gian qua. Tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, chậm trễ tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
 
THỤY TRANG