Thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy Di Linh đã tập trung nhiều giải pháp để triển khai thực hiện nội dung này có hiệu quả.
|
Thanh niên Di Linh tham gia bảo vệ môi trường |
Ông Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết: huyện tập trung đẩy mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị; ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của huyện.
Huyện Di Linh xác định nhiệm cụ thể đến năm 2025 tập trung các nội dung quan trọng như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 51,5 - 52%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đúng quy định tại nông thôn đạt 60%, đô thị đạt trên 95%...
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Di Linh, hiện nay, 18/18 xã đảm bảo đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn đạt 65%. Từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện đã thực hiện công tác hỗ trợ vệ sinh môi trường, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Đến nay đang triển khai thực hiện kế hoạch, với nội dung tuyên truyền về công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, khắc phục mùi hôi trong hoạt động chăn nuôi, Chương trình Đổi rác lấy quà tặng tại 2 xã Đinh Lạc, Gia Hiệp nhằm nâng cao, tạo ý thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho người dân…
Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Đồng thời đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hàng năm và là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Riêng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, ít nhất mỗi quý một lần kiểm tra việc thực hiện nội dung này tại địa phương, đơn vị được phân công phụ trách. Đưa công tác bảo vệ môi trường vào định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền định kỳ hàng tháng.
Xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ dân vận các thôn, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể là lực lượng nòng cốt. Các đơn vị, địa phương hiện đang đa dạng hóa hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận đa diện, kết hợp giữa tuyên truyền trực quan với tuyên truyền trên không gian mạng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tạo sự tác động mạnh mẽ tới ý thức của các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền trong các trường học. Và bảo vệ môi trường cũng là nội dung được lồng ghép xuyên suốt trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào, các mô hình, hoạt động ở huyện Di Linh bao gồm: Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Chương trình “Nói không với rác thải nhựa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Tuổi cao gương sáng”, “Hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu”, “5 không 3 sạch”, các Phong trào tình nguyện “Bảo vệ môi trường”, Mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”...
Huyện Di Linh hiện đang tập trung thực hiện các vấn đề liên quan tới đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ. Trong đó, chú trọng gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành, địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi phê duyệt, quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động các dự án đầu tư… Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường; hạn chế phát triển các nhóm ngành, nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, suy thoái môi trường; không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các khu vực tập trung dân cư, lưu vực sông, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp và vận hành hiệu quả các dịch vụ môi trường công cộng đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về môi trường...
Bảo vệ môi trường là vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Đây là hành trình dài với nhiều biến động. Ngoài cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực đầu tư thì sự tập trung lãnh đạo của địa phương và sự đồng thuận của người dân mới là yếu tố quan trọng để mục tiêu này đạt được thắng lợi.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin