Bài 2: Đa dạng hóa các nguồn lực, chung tay bảo vệ môi trường
Nhiều giải pháp cụ thể được Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa ra trong đó nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cũng như tăng cường vận động người dân, các cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong giai đoạn sắp đến ưu tiên của tỉnh là tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực về bảo vệ môi trường.
|
Bãi rác Phú Hội, Đức Trọng - điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được xử lý triệt để |
•
TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.
Đưa công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hàng năm. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Do đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Mỗi cán bộ, đảng viên cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường gắn với việc tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực công cộng, chăm sóc cây xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, nơi cư trú. Hàng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả tổ chức thực hiện...
Các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý ít nhất mỗi quý một lần; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, sản xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
|
Một điểm thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng tại Phường 12, Đà Lạt |
•
TẠO CHUYỂN BIẾN NHẬN THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận đa diện, có ảnh hưởng sâu rộng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tầng lớp Nhân dân đối với việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đưa công tác bảo vệ môi trường vào định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền định kỳ hàng tháng; kết hợp giữa tuyên truyền trực quan với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tạo sự tác động mạnh mẽ tới ý thức của tầng lớp Nhân dân…
Mặt khác, Lâm Đồng sẽ sớm ban hành chính sách khen thưởng, tăng cường nêu gương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và có sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường; đồng thời, tạo dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Để nâng cao nhận thức trong xã hội, tỉnh yêu cầu cần tăng cường công tác giáo dục về bảo vệ môi trường trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị nhằm cung cấp kiến thức, xây dựng ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và học viên. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm Khối Dân vận từ tỉnh đến cơ sở; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường; trong đó tập trung thực hiện thu gom và phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật.
Các cấp cũng cần chú trọng xây dựng và thực hiện các quy chế, hương ước, quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng tại khu dân cư. Thực hiện đánh giá, bình xét chất lượng môi trường ở các khu dân cư do các tổ chức tự quản đảm nhận, từ đó xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của Khối Dân vận các xã, phường, Tổ Dân vận các thôn, khu phố, các tổ chức đoàn thể hàng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa bàn, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm tốt; nhắc nhở, phê bình đối với những trường hợp vi phạm; tiến hành khảo sát, đánh giá các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở các khu dân cư để nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn tỉnh.
•
NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐA DẠNG HÓA NGUỒN LỰC
Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy đã nêu rõ, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở theo hướng nâng cao năng lực thực thi pháp luật; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kiến thức quản lý bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện công tác điều tra cơ bản, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về môi trường, tăng cường công tác dự báo về tài nguyên và môi trường góp phần quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả.
Gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành, địa phương trong thời gian đến; quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi phê duyệt, cấp phép hoạt động các dự án đầu tư.
Đặc biệt, tạo cơ chế thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường; hạn chế phát triển các nhóm ngành, nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, suy thoái môi trường; không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các khu vực tập trung dân cư, lưu vực sông, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ...
Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp và vận hành hiệu quả các dịch vụ môi trường công cộng, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường; chỉ đạo triển khai thực hiện các công tác quản lý việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; đẩy mạnh thực hiện tốt các cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ hệ sinh thái nhằm tạo nguồn vốn đầu tư, duy trì công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cam kết bảo vệ hiệu quả hệ sinh thái tự nhiên, phục hồi và nâng cao giá trị đa dạng sinh học của tỉnh; nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất rừng, săn bắt, khai thác, tiêu thụ các loài động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.000; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái phù hợp, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Lâm Đồng trong thời gian đến sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật về môi trường; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm không sử dụng ngân sách nhà nước; khuyến khích nghiên cứu các mô hình đầu tư phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Tỉnh ủy yêu cầu cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường; đảm bảo mức chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường, tăng dần tỷ lệ phân bổ kinh phí cho hoạt động sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác bảo vệ môi trường; tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải.
Trong thời gian đến, Lâm Đồng cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường; khuyến khích thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm tư vấn khoa học công nghệ môi trường, nông lâm nghiệp và các trung tâm đào tạo, tổ chức mạng lưới khuyến lâm, khuyến nông ở cơ sở.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu...
VIẾT TRỌNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin