Tín hiệu vui trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Di Linh

04:08, 15/08/2022
Hoạt động trên địa bàn trải rộng với phần lớn diện tích là đồi núi, địa hình hiểm trở, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh phải đối mặt với không ít thách thức. Nhưng với những nỗ lực trong thời gian vừa qua, Công ty đã thực hiện tốt các phương án quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng, đạt và duy trì tốt chứng chỉ (QLBV) rừng bền vững - FSC. 
 
Lực lượng BVR của Công ty phối hợp với ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn và các hộ nhận khoán bàn bạc kế hoạch trước khi tuần tra, truy quyét ở vùng trọng điểm.
Lực lượng BVR của Công ty phối hợp với ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn và các hộ nhận khoán bàn bạc kế hoạch trước khi tuần tra, truy quyét ở vùng trọng điểm
 
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh tiền thân là Lâm trường Di Linh, thành lập năm 1977, được giao quản lý, bảo vệ hơn 26.550 ha rừng. Do điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 nên hiện nay tổng diện tích đất lâm nghiệp Công ty đang quản lý là 27.245 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất 24.982 ha; đất rừng phòng hộ xung yếu 2.262 ha. Diện tích rừng và đất rừng Công ty QLBV gồm 50 tiểu khu nằm trên địa bàn 6 xã Gung Ré, Sơn Điền, Gia Bắc và một phần của các xã Liên Đầm, Hoà Bắc, Bảo Thuận; có vùng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. 
 
Do diện tích rừng và đất rừng Công ty quản lý rộng, trải dài trên 6 xã, địa hình đồi dốc chia cắt mạnh nên khó tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty theo biên chế hiện còn thiếu, trang bị công cụ hỗ trợ hạn chế. Cùng với đó, nhận thức trách nhiệm về công tác QLBV rừng của một số hộ nhận khoán còn có những hạn chế nhất định; quản lý mang tính hình thức, qua loa chiếu lệ… Ngoài ra, trên địa bàn Công ty quản lý đa số là người đồng bào DTTS sinh sống gần rừng, đời sống còn nhiều khó khăn nên vẫn còn tình trạng lén lút vào rừng phát rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhằm tăng cường công tác QLBV rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, những năm gần đây, Đảng ủy Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh đã xây dựng nghị quyết để cụ thể hóa một số nội dung của nghị quyết đảng bộ cấp trên. Công ty đã triển khai các biện pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng, tuân thủ pháp luật; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; vận động Nhân dân đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phù hợp với điều kiện từng khu vực theo đề án 1836 của UBND tỉnh; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng…
 
Ông Lê Thành Thái - Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh cho biết, những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Hội đồng thành viên trong Công ty đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đảng ủy Công ty cũng đã ban hành Nghị quyết số 60 năm 2018 và Nghị quyết 11 năm 2022 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV và phát triển rừng trên địa bàn; đồng thời triển khai thực hiện tốt quản lý rừng bền vững theo các tiêu chí và nguyên tắc FSC (phát triển và quản lý rừng bền vững) đã đạt được những kết quả quan trọng. Đơn cử, Công ty đã triển khai phương án chống chặt phá rừng, QLBV, giữ vững diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý theo mốc ranh giới được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phát triển vốn rừng bằng các hình thức vận động trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích theo Đề án 1836 của UBND tỉnh Lâm Đồng; trồng rừng trên diện tích đất trống, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Giai đoạn 2021 - 2025, Công ty đặt mục tiêu phấn đấu giảm từ 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại và thực tế các chỉ tiêu này năm 2021 đều vượt. Theo đó, số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm năm 2021 đạt 90%; số vụ vi phạm giảm 23,08%... Công ty cũng thực hiện giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Song song đó, triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng; khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp; phát triển rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị cao dưới tán rừng. Công ty cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý…
 
Đạt được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của tập thể Công ty và của cả các hộ nhận khoán. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban Giám đốc Công ty cho biết, để tăng cường công tác QLBV rừng, Công ty đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên toàn bộ lâm phần được giao trong đó khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Thuận có nguy cơ xảy ra điểm nóng đã được bố trí lực lượng trực 24/24h. Ngoài ra, Công ty còn duy trì 5 chốt chặn cố định tại các cửa rừng và 12 chốt lưu động dọc tuyến QL 28. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn và các hộ nhận khoán tăng cường tuần tra, truy quyét vùng trọng điểm. Phòng Quản lý, bảo vệ rừng của Công ty cũng chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Công an huyện sử dụng xe ô tô tuần tra, kiểm tra vào ban đêm. 
 
Nhờ phương án tuần tra, kiểm tra thực hiện hiệu quả, công tác phối hợp với UBND các xã, các hộ, nhóm được giao khoán ngày càng nhịp nhàng mà thời gian gần đây, rừng do đơn vị quản lý được đảm bảo, không có tình trạng khai thác, chặt phá rừng bừa bãi. Tín hiệu vô cùng đáng mừng là trong 6 tháng đầu năm nay, trên diện tích rừng do Công ty quản lý chỉ xảy ra 1 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, vụ việc đã xác định được đối tượng vi phạm và đã được Công ty chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý. 
 
NGUYỄN NGHĨA