Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của cựu chiến binh (CCB), vừa giúp nâng cao đời sống hội viên, vừa góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp, thời gian qua, Hội CCB xã Phú Sơn đã không ngừng triển khai, đổi mới các hoạt động thi đua, tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh; nhờ đó, tỷ lệ hộ hội viên nghèo liên tục giảm, số hộ khá, hộ giàu tăng.
|
HTX Thương mại, dịch vụ Laba Phú Sơn do CCB làm chủ đã giúp nhiều hội viên phát triển đời sống |
Ông Nguyễn Tấn Chơi - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Sơn cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm này, bản thân các CCB xác định phải luôn nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu phát triển kinh tế. Mặt khác, tích cực giúp đỡ lẫn nhau về nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai mô hình kinh doanh, từ đó tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Hội. Thời gian qua, Hội CCB xã đã tích cực tuyên truyền, cổ vũ, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện mọi mặt để CCB yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, về công tác tuyên truyền, vận động, Hội tổ chức nhiều hoạt động trọng điểm, thường xuyên, tập trung khơi dậy các phẩm chất đã được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh, chiến đấu của người “Bộ đội Cụ Hồ”. Nhờ đó, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường ngày càng cao. Nhiều hội viên dám chấp nhận rủi ro, gian khó, mày mò học hỏi kỹ thuật, mô hình, phương pháp mới để triển khai ý tưởng sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình. Mặt khác, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đều được cán bộ Hội tuyên truyền, quán triệt đến các hội viên chi tiết, dễ hiểu. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và đột xuất, Hội cũng tranh thủ biểu dương các điển hình tiên tiến, giới thiệu và lan tỏa những mô hình hay, cách làm mới, chia sẻ kinh nghiệm của hội viên. Vì vậy, các Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững”, các hoạt động xây dựng nông thôn mới… được hội viên hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Khi đi vào triển khai thực tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả, Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm, tham quan thực tế cho hội viên. Hội CCB xã cũng chú trọng hỗ trợ về nguồn vốn, vật tư, đầu vào cho hội viên thông qua các mô hình như Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo và xóa nhà dột nát, hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội… “Hội đang quản lý hiệu quả các tổ tiết kiệm, vay vốn, trả lãi, đã cho hơn 270 hộ vay với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng”, ông Chơi cho biết. Đặc biệt, Hội đã vận động hội viên tham gia Câu lạc bộ CCB làm kinh tế huyện; qua đó, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ, phổ biến với hội viên CCB trên địa bàn, đồng thời thi đua phấn đấu với các thành viên của Hội xã khác. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, toàn Hội không tồn tại hội viên nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hội viên khá và giàu ngày một cao.
Về mô hình sản xuất, theo ông Chơi, Hội chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác để tận dụng lợi thế nhờ quy mô, qua đó giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. “Kinh tế tập thể giúp chuyên môn hóa, tự động hóa và áp dụng khoa học công nghệ, thu xếp nguồn vốn dễ dàng hơn”, ông Chơi nói. Vì vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên hợp tác sản xuất; nhờ đó, đã có hơn 60 thành viên tham gia Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ Laba Phú Sơn, và hơn 90 thành viên hoạt động trong 7 tổ hợp tác. Những mô hình sản xuất, kinh doanh tập thể này bước đầu đã chứng minh được lợi thế trong thực tiễn, mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt hơn so với cách làm nhỏ lẻ, manh mún trước đây.
Ngoài ra, Hội CCB xã Phú Sơn cũng đã chủ động lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý, cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng và đột xuất, cán bộ, hội viên đã tích cực, sôi nổi để thảo luận tình hình thực tế, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Qua đó, nhiều giải pháp hữu ích, mang tính kịp thời đã được triển khai giúp quá trình phát triển kinh tế của hội viên CCB đi đúng hướng, sát với thực tế.
Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ 5 năm qua, ông Chơi cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế cần khắc phục trong quá trình phát triển sản xuất, kinh tế của Hội. Theo đó, một số hoạt động còn mang tính dàn trải, chưa đi vào chiều sâu, sự đổi mới về mô hình sản xuất, kinh doanh và áp dụng khoa học - kỹ thuật chưa được đồng đều, chuyên sâu. “Do vậy, trong thời gian tới, ngoài việc khắc phục những hạn chế này, Hội sẽ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên tuyền, vận động cũng như hoạt động hỗ trợ, dẫn dắt hơn nữa. Đặc biệt, duy trì và nâng cao hiệu quả của các buổi sinh hoạt định kỳ, kịp thời nắm bắt những vấn đề thực tế để có giải pháp điều chỉnh kịp thời cũng như đề xuất kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan”, ông Chơi cho biết thêm.
NHẬT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin