(LĐ online) - Đại công trường khai thác trái phép nhiều hecta với đủ máy múc, máy hút cát… hoạt động rầm rộ nằm ngay thượng nguồn suối Cát, tứ phía là bạt ngàn rừng sản xuất bao bọc. Để vào đại công trường khai thác cát lậu này chỉ có một con đường độc đạo trơn trượt, quanh co, nguy hiểm và “cát tặc” luôn bố trí tai mắt cảnh giới người lạ.
Toàn cảnh đại công trường khai thác cát lậu hoạt động rầm rộ trên đất rừng tại Tiểu khu 474 thuộc địa phận Thôn 2 (xã Đại Lào) |
•
KHAI THÁC CÁT LẬU TRÊN ĐẤT RỪNG
Sau nhiều ngày mật phục, chúng tôi đã ghi nhận toàn bộ đại công trường khai thác cát lậu trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 474 thuộc địa phận Thôn 2 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Theo tìm hiểu, khu vực khai thác cát lậu này là đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất được Nhà nước giao cho ông Nguyễn Văn Chiến (thường gọi là Chiến Cẩm - ngụ tại Thôn 5, xã Đại Lào) nhận trồng rừng sản xuất với tổng diện tích khoảng 30 hecta dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm TP Bảo Lộc.
Thế nhưng, khoảng 2 tháng nay, tại khu vực này đang có khoảng hơn 3 hecta lòng suối và đất rừng biến thành một đại công trường khai thác cát trái phép. Nhiều nguồn tin cho hay, mỏ cát lậu này có ít nhất 3 - 4 người tham gia; trong đó, ông Nguyễn Văn Chiến là người góp đất (địa điểm khai thác), những người còn lại cùng góp vốn để làm đường, mua sắm máy móc, xe ben khai thác, vận chuyển cát. Cát khai thác được, những người này đem bán rồi cùng ăn chia theo tỷ lệ %.
Máy múc hoạt động thường xuyên để đào múc cát lên bãi tập kết |
Tại khu vực này có ít nhất 3 - 4 máy hút cát liên tục hoạt động khai thác cát hết công suất |
Trong nhiều ngày đêm mật phục, chúng tôi không khỏi bàng hoàng chứng kiến cảnh khai thác cát rầm rộ tại khu vực này. Đại công trường khai thác cát trái phép nằm ngay đầu nguồn suối Cát giáp ranh giữa xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) và xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm).
Ghi nhận thực tế, để khai thác cát, các đối tượng đã đầu tư làm đường; đồng thời, đào múc, san gạt giật cấp một khu vực rộng lớn đất lâm nghiệp và phá luôn con suối cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho người dân địa phương sản xuất nông nghiệp. Thay vào đó, “cát tặc” đào hồ, đắp đập để dự trữ nước rửa và hút cát. Không những vậy, tại đây, nhiều cây lâm nghiệp còn bị “cát tặc” đào múc đốn hạ vùi lấp.
Sàng, rửa cát được nhóm “cát tặc” đặt ngay vị trí trung tâm của đại công trường khai thác cát lậu |
Con đường độc đạo vào điểm khai thác cát trái phép luôn có người cảnh giới |
Ông H. - một người dân có vườn trồng cà phê khu vực suối Cát, lo lắng: “Suối Cát là dòng suối tự nhiên có từ lâu đời. Tôi làm vườn ở đây hơn 20 năm nay, cũng như nhiều hộ dân khác, bà con chủ yếu sử dụng nguồn nước bơm từ suối để tưới cho cây trồng. Giờ “cát tặc” chặn luôn nguồn suối, họ mới chỉ làm chưa đầy 2 tháng mà tan hoang hết. Nếu không được can thiệp, xử lý kịp thời thì tới đây vào mùa khô bà con chúng tôi không biết lấy nước ở đâu để tưới cho cây trồng chống hạn”.
•
LIỆU CÓ BẢO KÊ?
Trong suốt quá trình tiếp cận hiện trường bên trong điểm khai thác cát lậu luôn có từ 5 - 7 người phụ trách các công đoạn như lái máy múc, vận hành máy hút cát, nấu cơm và cảnh giới người lạ. Theo tìm hiểu, công trường khai thác cát lậu này do người đàn ông tên Hùng quản lý, điều hành hoạt động khai thác cát. Ban ngày, có 3 máy múc liên tục hoạt động hết công suất đào múc cát lên bãi tập kết. Trong khi đó, ít nhất 3 - 4 máy hút cát bơm, rửa cát thường xuyên. Bên ngoài, cách khu vực hút cát vài trăm mét có người đàn ông thường xuyên đi lại để cảnh giới người lạ.
Xe ben sẵn sáng có mặt tại đại công trường cát lậu chờ lấy cát |
Sau khi cát được khai thác tập kết tại bãi, vào khoảng 19 giờ hàng ngày, 3 xe ben chở cát mang các biển số gồm: 86C - 115.83, 49C - 301.06 và 49C - 271.09 bắt đầu băng rừng hoạt động vận chuyển cát ra ngoài. Điều đặc biệt, những người khai thác cát lậu không bán cho xe lạ trực tiếp vào bãi lấy cát. Trái lại họ sử dụng xe của mình để vận chuyển cát ra khỏi nơi khai thác rồi tập kết tại 1 bãi chứa có sẵn hoặc chở đi bán cho các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Bảo Lộc. Trung bình mỗi đêm, điểm khai thác cát trái phép này xuất bến từ 16 - 20 xe cát thu về trên 50 triệu đồng.
Trong những ngày đêm thâm nhập thu thập thông tin, chúng tôi chứng kiến một số người có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản thường xuyên ra vào khu vực này. Thế nhưng, với 1 đại công trường khai thác cát lậu trái phép rộng lớn nằm giữa rừng thì dường như họ không hề hay biết. Trong khi người dân địa phương có vườn rẫy cà phê tại khu vực này chứng kiến cảnh khai thác cát lậu xuyên cả ngày lẫn đêm với tiếng máy nổ, máy xúc, xe ben hoạt động rêm trời.
Từ 19 giờ hàng ngày, 3 xe ben hoạt động xuyên đêm ra vào đại công trường khai tác cát lậu chở từ 16 - 20 xe cát |
“Làm lớn thế này, dân chúng tôi còn biết hết, nói gì cơ quan chức năng. Ở đây, người dân đặt máy hút ít cát trôi trên suối là bị công an, cán bộ tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương xuống lập biên bản tịch thu máy móc và phạt ngay. Còn kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã, thậm chí cả công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát nên việc lấn chiếm đất rừng khai thác cát trái phép tại đây sao mà không biết được” - một người dân thắc mắc.
Những vấn đề liên quan tại đại công trường khai thác cát trái phép giữa rừng và những cầu hỏi mà người dân quan tâm, đang chờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để có câu trả lời thích đáng?
Phóng sự điều tra: NGUYỄN QUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin