Ban Quản lý bảo trì đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lâm Đồng đã và đang tích cực tập trung duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trước mùa mưa bão, nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Sau sự cố sạt lở đất, Ban Quản lý bảo trì đường bộ huy động nhân lực, phương tiện khắc phục, kịp thời thông xe |
Thực hiện phân cấp quản lý đường bộ, ngành GTVT Lâm Đồng được ủy thác quản lý hơn 178 km trên 5 tuyến quốc lộ; cùng với đó là hơn 500 km tỉnh lộ. Những năm qua, ngành GTVT sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ vào việc tu sửa, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa đột xuất, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác các công trình hạ tầng đường bộ. Các tuyến và các công trình do Ban Quản lý bảo trì đường bộ trải dài trên các địa phương của tỉnh, mỗi tuyến có đặc điểm khí hậu, điều kiện địa hình khác nhau nên mức độ ảnh hưởng do bão lũ gây ra cũng khác nhau và rất phức tạp.
Ghi nhận trên Quốc lộ 27C, năm 2020, do ảnh hưởng mưa lớn liên tục, kéo dài, tại KM107+ 500 đoạn qua địa bàn xã Đạ Sar (Lạc Dương) đã xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún nền đường. Sau khi nhận được thông tin, Ban Quản lý bảo trì đường bộ có văn bản báo cáo thiệt hại và và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả. Qua đó, đơn vị đã thực hiện thi công sửa chữa hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4/2022 với kinh phí 7,7 tỷ đồng. Cũng trên tuyến đường này, tháng 8/2022 tại KM108+100 đoạn qua địa bàn xã Đạ Chais (Lạc Dương) đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ ta luy dương khiến hàng trăm mét khối đất, đá tràn xuống đường làm giao thông ùn tắc, Ban Quản lý bảo trì đường bộ đã huy động nhân lực, phương tiện khắc phục, kịp thời thông xe trong thời gian sớm nhất.
Trên địa bàn tỉnh không chỉ tuyến QL 27 mà một số tuyến đường khác cũng thường xuyên bị sạt lở. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông, Ban Quản lý bảo trì đường bộ đã tổ chức khắc phục sửa chữa. Theo đó, nhiều điểm bị sạt lở do mưa, lũ trên các tuyến đường sau khi xử lý kỹ thuật đã cơ bản được khắc phục kịp thời, đảm bảo điều phối giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Ban Quản lý bảo trì đường bộ, hằng năm đơn vị đã lên phương án kiểm tra nhằm sửa chữa chi tiết từng đoạn, tuyến trên đường bộ, đặc biệt các tuyến hay bị ngập lụt, sạt lở. Ngoài ra, thường xuyên chủ động kiểm tra kỹ thuật các cầu yếu và các điểm xung yếu trên các tuyến, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, đơn vị đã đốc thúc nhà thầu hoàn thành công tác đào, vét rãnh khơi thông đầu cống và lòng cống, bạt lề 2 bên đường, tạo thuận lợi cho tiêu thoát nước; phát quang cây cối cản trở tầm nhìn tại các đầu cầu, cống; trải thảm mặt đường tại các điểm phát sinh ổ gà, nứt gãy mặt đường; bổ sung cọc tiêu, cảnh báo các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm…; còn tại các công trình đang thi công dở dang, đốc thúc nhà thầu tranh thủ thời gian những ngày nắng đẩy nhanh tiến độ và xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra.
Ông Phạm Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2022, từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp giao thông, đơn vị được giao thực hiện dự án sửa chữa, bảo trì tỉnh lộ với tổng kinh phí trên 22,5 tỷ đồng; bảo trì quốc lộ trên 9,4 tỷ đồng. Trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị cũng đang đôn đốc nhà thầu, đơn vị quản lý hoàn thành sửa chữa, gia cố các công trình đường bộ trong kế hoạch năm 2022; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn.
Cùng với đó, xây dựng phương án phân luồng giao thông trên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh; xây dựng phương án cụ thể, kịp thời xử lý các tình huống, sự cố, dạng thiên tai xảy ra… Đối với các tuyến đường đang triển khai thi công, Ban đã yêu cầu đơn vị thi công thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động trên đoạn đường thi công, thi công xong nhưng chưa bàn giao, tuyệt đối không được để lầy lún và đất sạt lở gây ùn tắc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc luôn trong tư thế sẵn sàng để có mặt tại các vị trí xung yếu nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố do thiên tai gây ra, không để ách tắc giao thông, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ, quản lý về hành lang an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Đó là: mặt đường của các tuyến nhiều năm chưa được đầu tư nâng cấp đã hư hỏng xuống cấp, kinh phí bảo trì không đáp ứng đủ để khắc phục; Công tác vét rãnh qua các khu dân cư gặp khó khăn vì người dân lắp đặt cống có đường kính nhỏ ở lối đi vào nhà; Một số vị trí tuyến đường có mái taluy cao cũng gây ra sạt lở trong mùa mưa bão; Tốc độ đô thị hóa tăng cao gây ra tình trạng san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến thoát nước tự nhiên và lấp hạ lưu cống…
Ông Bình cho biết thêm, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sửa chữa các công trình đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra và chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu qủa của thiên tai, xử lí kịp thời các tình huống xảy ra, đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của Nhân dân.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin