Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

06:10, 26/10/2022
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được thành lập theo Quyết định số 1240/QÐ-TTg ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ “V/v chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà thành Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà”. Phần lớn diện tích tập trung trên địa giới hành chính của huyện Lạc Dương, một phần huyện Đam Rông và TP Đà Lạt. Diện tích Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà lên tới 69.663,2 ha, giáp ranh với 3 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận.
 
Triển khai tuần tra bảo vệ rừng
Triển khai tuần tra bảo vệ rừng
 
Khu vực Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà là nơi hình thành hai dòng sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk, có nhiều hệ thống suối lớn nên có ý nghĩa rất quan trọng đối phòng hộ đầu nguồn của hai dòng sông nêu trên. Đồng thời, hai hệ thống sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk có nhiều nhà máy thủy điện nên tạo nguồn tài chính từ dịch vụ môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp 2017. Vườn là một mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam, đặc trưng cho vùng cao nguyên, là một địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học. Nơi đây tập trung nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu của khu vực và của Việt Nam nói chung.
 
Triển khai thực hiện công tác quản ý, bảo vệ rừng, Vườn thực hiện khoán bảo vệ rừng theo Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2009 với diện tích khoảng 13.000 ha, giao khoán cho 371 hộ dân và 4 đơn vị tập thể. Song song đó, đơn vị còn thực hiện khoán bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án khác là 661, Flitch, ngân sách tỉnh... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Vườn quốc gia chỉ thực hiện khoán cho các hộ dân để thực hiện chi trả DVMTR.
 
Theo đó, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR là hơn 66.495 ha, trong đó lưu vực Đồng Nai là 25.242 ha; lưu vực Sêrêpôk là 41.253 ha. Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tự tổ chức quản lý 12.829 ha. Tổng số hộ nhận khoán là 1.565 hộ, có 6 đơn vị tập thể nhận khoán. Thống kế từ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, tổng số tiền đơn vị đã thực hiện chi trả cho các hộ dân khoán năm 2021 là hơn 31,7 tỷ đồng. Trong đó, chi tiền khoán bảo vệ rừng trên lưu vực Đồng Nai là 19,1 tỷ đồng và lưu vực Sêrêpôk là 12,5 tỷ đồng. Bình quân 1 hộ nhận khoán năm 2021 được nhận 18,3 triệu đồng. Tuy không lớn, nhưng từ khoản này, đời sống của người nhận khoán được cải thiện đáng kể, bởi đối với một số hộ nhận khoán đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình.
 
Trước đây, công tác bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân càng ngày chủ động tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Cứ 3 - 5 ngày, các hộ nhận khoán tự giác thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo ngay cho Vườn. Việc triển khai chi trả DVMTR không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, mà còn làm tăng khả năng phòng hộ, giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, chống biến đổi khí hậu… góp phần đáng kể vào việc làm tăng độ che phủ của rừng trong toàn tỉnh lên 52,5%. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm đáng kể. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Tuy nhiên, để chi trả DVMTR thực sự đem lại hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, đơn vị cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho các hộ nhận khoán để họ hiểu và tự giác thực hiện trách nhiệm của các hộ nhận khoán, để Chương trình Chi trả DVMTR không chỉ dừng lại ở "chính sách" mà trở thành sự cam kết thực hiện đúng trách nhiệm của các hộ nhận khoán khi tham gia bảo vệ rừng.
 
NGUYÊN THI