Là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh, thành phố Bảo Lộc có lĩnh vực dịch vụ, thương mại phát triển mạnh và nhu cầu người tiêu dùng ngày một cao. Vì vậy, việc lựa chọn đẩy mạnh sử dụng hàng hóa nội địa, nhất là các mặt hàng do các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân Bảo Lộc sản xuất, kinh doanh đang được chú trọng.
|
Sầu riêng Đạ Huoai, một trong những nông sản Việt được nhiều người dân và du khách ưa chuộng |
Bảo Lộc hiện có chợ đầu mối trung tâm thành phố; siêu thị Co.opMart Bảo Lộc, trung tâm thương mại Vincom Plaza Bảo Lộc và 6 chợ ở các xã, phường trong thành phố.
Thực hiện các văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Bảo Lộc đã tăng cường lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố. Ủy ban MTTQ thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt về ý nghĩa, mục đích thiết thực của cuộc vận động để người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt có chất lượng, an toàn.
Vào dịp tháng 3 hàng năm, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người kinh doanh, sản xuất và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng hãy sử dụng hàng Việt.
Mặt khác, với chức năng của mình, MTTQ từ thành phố đến phường, xã đều tăng cường công tác giám sát các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng hàng hoá nội địa khi mua sắm công, cam kết thực hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ, thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu của địa phương cho sản phẩm hàng hoá, kiểm soát, nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc gương mẫu thực hành tiết kiệm chi tiêu công, mua sắm hàng Việt Nam khi sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, định hướng và tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như: trà, cà phê, trái cây, hàng may mặc…; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Trà B’Lao, thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc….
Hàng năm, MTTQ và các phòng, ban của thành phố thường xuyên phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Điển hình như năm 2019, phối hợp UBND TP Bảo Lộc và Công ty TNHH Một thành viên Sài Gòn Co.op Bảo Lộc tổ chức hội chợ hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao tại các xã Lộc Châu, Đại Lào, Lộc Nga. Năm 2020, phối hợp với Siêu thị Co.opmart Bảo Lộc đưa hàng Việt về bán tại khu công nghiệp, các doanh nghiệp có số công nhân lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận với 9 chuyến hàng Việt về nông thôn. Với mục tiêu “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”, phối hợp vận động 12 doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động tri ân người tiêu dùng với các hình thức như giảm giá, bảo hành miễn phí, tặng sản phẩm khi mua hàng...
Năm 2021, phối hợp tổ chức hội chợ thương mại của Công ty CP Thiên Việt tại Quảng trường 28/3, Phường 2, với 250 gian hàng như: quần áo thời trang, chăn, ga, gối, nệm, vật dụng thiết yếu gia đình, hóa mỹ phẩm, giày dép… đáp ứng nhu cầu người dân với giá cả và chất lượng, mẫu mã phù hợp. Để đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động, một số xã, phường xây dựng Mô hình “Tổ phụ nữ giúp nhau mua vật dụng gia đình là hàng Việt” tại phường Lộc Phát và phường Lộc Tiến được đông đảo chị em tham gia hưởng ứng tích cực, tạo sự lan tỏa trong tiêu dùng hàng Việt.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bảo Lộc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền ở một số đơn vị chưa thật sự được quan tâm; nội dung, hình thức tuyên truyền còn hạn chế, chưa có chiều sâu, tính thuyết phục chưa cao. Nhận thức của một bộ phận dân cư vẫn còn chuộng hàng ngoại. Mặt khác, hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu nhiều sản phẩm có chất lượng cao, chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Công tác quản lý kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hoá, xử lý hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng ngoại nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… tuy được các ngành chức năng quan tâm phối hợp ngăn chặn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ gây tâm lý băn khoăn, lo lắng trong Nhân dân khi mua sắm hàng Việt.
Trong thời gian tới, dưới sự hướng dẫn phát động của Ủy ban MTTQ tỉnh, MTTQ TP Bảo Lộc xác định sẽ tiếp tục triển khai duy trì và phát huy hiệu quả các điểm bán hàng bình ổn, bán hàng chất lượng cao, phối hợp tổ chức các phiên chợ, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo liên kết nhà sản xuất với người tiêu dùng. Tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về thực hiện Cuộc vận động gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra góp phần làm cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
NGUYỆT THU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin