Nỗ lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

03:12, 16/12/2022
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 8.789,3 ha, gồm 15 tiểu khu, trải rộng trên địa bàn 5 xã phía Nam của huyện Di Linh đó là xã Hòa Bắc, Hòa Nam, Hòa Trung, Liên Đầm và Sơn Điền. Thời gian qua, đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.
 
Lực lượng kiểm lâm và các hộ nhận khoán họp bàn phân chia khu vực tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm và các hộ nhận khoán họp bàn phân chia khu vực tuần tra quản lý, bảo vệ rừng.
 
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, nên ngay từ đầu năm, trên cơ sở nghị quyết, chỉ tiêu nhiệm vụ trên giao, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Hoà Bắc - Hoà Nam đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tích cực nhiệm vụ QLBVR của đơn vị đến tất cả đảng viên, viên chức, người lao động; đồng thời, giao cho các bộ phận, trạm QLBVR ký cam kết thi đua thực hiện. Ngoài ra, để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia QLBVR; đơn vị đã phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã thực hiện công tác tuyên truyền tại các thôn và một số trường học trên địa bàn về công tác QLBVR, PCCCR, phát triển rừng (PTR) trên địa bàn các xã Hoà Bắc, Hoà Nam, Hoà Trung. Triển khai thực hiện tuyên truyền và ký 692 bản cam kết về công tác QLBVR, PCCCR, PTR và thực hiện trồng cây xanh. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo sâu sát và đề ra nhiều biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp thực tế địa bàn, xây dựng kế hoạch phối kết hợp tuần tra bảo vệ rừng hàng tháng giữa bộ phận kỹ thuật QLBVR và các trạm bảo vệ rừng . Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, trạm, cá nhân phụ trách, theo dõi và chịu trách nhiệm. Lãnh đạo cùng với các bộ phận chuyên môn thường xuyên đi kiểm tra giám sát các trạm về nhiệm vụ QLBVR, PCCCR, định kỳ hàng tháng luân phiên tại hầu hết diện tích lâm phần đơn vị quản lý; đặc biệt, tại những khu vực xung yếu tại Tiểu khu 713 giáp ranh tỉnh Bình Thuận; Tiểu khu 493a, 493b giáp ranh huyện Bảo Lâm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, ken cây, đầu độc cây… Năm 2022, toàn lâm phần đơn vị quản lý chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm, giảm hơn 30% số vụ vi phạm so với năm 2021. Các vụ vi phạm được phát hiện kịp thời, lập biên bản và gửi cơ quan chức năng xử lý.
 
Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác QLBV và phát triển rừng với các xã có rừng trên địa bàn đơn vị quản lý và các đơn vị chủ rừng giáp ranh, thường xuyên phối hợp thực hiện công tác tuần tra QLBVR, PCCCR. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 1836 của UBND tỉnh về trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đơn vị quản lý. Năm 2022, đơn vị đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trồng được 39.309 cây đạt trên 178% chỉ tiêu giao.
 
Xác định công tác giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một trong những công tác mang lại hiệu quả quản lý bảo vệ rừng rất tốt; đơn vị đã thực hiện giao khoán chỉ trả DVMTR cho các hộ dân trong vùng. Theo đó, diện tích rừng được giao khoán ổn định gần 7.890 ha cho 293 hộ dân, thu nhập bình quân 16-17 triệu đồng/hộ dân/năm. Việc giao khoán không những tăng cường hiệu quả công tác QLBVR và phát triển rừng mà còn góp phần cùng địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc và người dân nghèo tại địa phương. Ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng cũng tăng lên rõ rệt.
 
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban QLR PH Hoà Bắc - Hoà Nam, điều đơn vị còn trăn trở đó là tuy số vụ vi phạm so với năm 2021 giảm 30% nhưng thiệt hại về diện tích vẫn còn lớn. Việc xây dựng các kế hoạch tuần tra QLBVR, PCCCR, phát triển rừng đã được triển khai nhưng đôi lúc công tác phối hợp với đơn vị bạn, chính quyền địa phương còn chưa được nhịp nhàng. Nguyên nhân được đơn vị phân tích chỉ ra là do địa bàn rừng, đất lâm nghiệp đơn vị quản lý rộng, lại trải dài trên nhiều xã, rừng đan xen với nhiều khu dân cư, đường liên thôn, đường tiểu khu ra vào rừng rất thuận tiện; bên cạnh đó dân số phát triển dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, nhu cầu về nhà ở nên người dân địa phương thường xuyên tác động tới rừng với các hành vi như lấn rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản… Trong khi đó thì lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mỏng, một số viên chức, người lao động chưa nâng cao tinh thần, trách nhiệm, vẫn còn một số cán bộ chủ quan, ỷ lại, chưa bám sát địa bàn để quản lý rừng tận gốc... 
 
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, khắc phục một số tồn tại, hạn chế, Ban QLRPH Hoà Bắc - Hoà Nam đặt quyết tâm trong năm tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia QLBVR và PCCCR. Đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, đất rừng hiện có. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, lần chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, phấn đấu giảm 30% về thiệt hại.
 
NGUYỄN NGHĨA