Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng vừa đề xuất tỷ lệ diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô TP Đà Lạt đến năm 2025 giảm 20% và đến năm 2030 giảm xuống còn 0% so với hiện trạng năm 2022. Lộ trình này cũng đồng thời xác định các nhóm giải pháp phối hợp triển khai trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn.
|
Đà Lạt đặt mục tiêu đến năm 2030 không còn nhà kính ở nội ô |
•
ĐÀ LẠT CHIẾM 57% DIỆN TÍCH NHÀ KÍNH TOÀN TỈNH
Thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.476 ha nhà kính sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 57% (2.554 ha) tại TP Đà Lạt. Các diện tích nhà kính còn lại phân bổ chủ yếu ở các huyện Lạc Dương gần 945 ha (hơn 21%), Đơn Dương 470 ha (10,5%) ; Đức Trọng 268 ha (6%)... Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu sản xuất hoa với 2.435,5 ha (chiếm 54,4%), sản xuất rau hơn 1.818,1 ha (chiếm 40,6%) và nhà kính trồng cây khác 222,6 ha (chiếm 5%).
Tính riêng TP Đà Lạt với 2.554 ha diện tích nhà kính trồng các loại cây trồng gồm: rau 757,5 ha; hoa 1.702 ha; cây khác 94,5 ha, chiếm hơn 24,3% tổng diện tích canh tác nông nghiệp và hơn 50% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương. Giai đoạn năm 2017 - 2020, diện tích nhà kính trồng rau giảm 492,5 ha; trồng hoa tăng 316 ha; chuyển đổi trồng mới 94,5 ha dâu tây và cây đặc sản. Qua khảo sát khu vực nội ô Đà Lạt cho thấy, mật độ nhà kính trên diện tích đất canh tác chiếm tỷ lệ 83,7% ở Phường 12; trên 60% ở Phường 5, 7 và 8; nhiều diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang đất xây dựng hiện chỉ còn 23,4 ha tại Phường 3 và 9,4 ha tại Phường 6. Trong khi đó tại các xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành diện tích nhà kính chỉ chiếm từ 10 - 25% so với tổng diện tích canh tác.
Qua kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, canh tác rau, hoa trong nhà kính tại TP Đà Lạt giảm 30% lượng nước tưới, phân bón và giảm 30 - 50% thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất rau, hoa ứng dụng đồng bộ nhà kính với các công nghệ cao khác, đạt năng suất cao hơn 2 - 3 lần, giá trị cao hơn 1,5 - 2 lần so với trồng ngoài trời. Bên cạnh đó, nhà kính góp phần khai thác giá trị kinh tế thông qua phát triển du lịch canh nông ở Đà Lạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, bên cạnh hiệu quả kinh tế nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua, do thiếu kiểm soát, một số nhà kính lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, an ninh, quốc phòng.., đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt việc sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, tính đa dạng sinh học bị hạn chế, nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên; giảm khả năng thẩm thấu nước, nguy cơ giảm mực nước ngầm. Mặt khác, đa số nhà kính chưa được quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu, thoát nước; trong khi lại xây dựng tại khu vực độ dốc cao, ven sông, suối, khi gặp mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ…
•
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SẠCH KHÔNG DÙNG NHÀ KÍNH
Với mục tiêu không còn nhà kính nội ô Đà Lạt vào năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng với nhóm giải pháp trọng tâm rà soát chủng loại cây trồng để khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi canh tác ngoài trời đạt hiệu quả kinh tế tương đương với canh tác nhà kính, phù hợp với thị trường như: Cây rau (cải bắp, súp lơ, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu cove, hành tây, xà lách mỹ, rau gia vị, bí...); cây hoa (thạch thảo, lavender, lay ơn, hướng dương...và một số giống hoa mới nhập khẩu); cây dược liệu (atiso, phúc bồn tử, đương quy...); cây ăn quả (chanh dây, cherry, mận...).
Đồng thời, khảo nghiệm chọn lọc 3 - 5 bộ giống cây rau, hoa, dược liệu lợi thế cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao để canh tác ngoài trời; hoàn thiện và chuyển giao, nhân rộng 20 quy trình canh tác cây trồng ngoài trời ứng dụng công nghệ cao. Gắn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không sử dụng nhà kính với trồng cây xanh trên bờ lô, bờ thửa, đặc biệt, tổ chức trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích ở các đồi núi tạo mảng xanh, chống rửa trôi xói mòn; xây dựng đường nội đồng, ao hồ chứa nước, mương thoát nước đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đề xuất quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp tiên tiến mà không sử dụng nhà kính; giảm tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp và tăng tỷ lệ đất xây dựng đô thị. Ngoài ra thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi sản xuất trong nhà kính sang canh tác ngoài trời, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao không sử dụng nhà kính trên địa bàn Đà Lạt nói riêng, trong tỉnh Lâm Đồng nói chung.
VĂN VIỆT