Tôn giáo đồng hành xây dựng Đơn Dương giàu đẹp

06:12, 23/12/2022
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc trên địa bàn huyện; qua đó, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình chính trị, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Tôn giáo đồng hành cùng MTTQ địa phương chăm lo đời sống cho người dân
Tôn giáo đồng hành cùng MTTQ địa phương chăm lo đời sống cho người dân
 
Những ngày cuối năm, nhà nhà háo hức chờ đón một mùa xuân mới. Với gia đình chị MaDel (sinh năm 1987), thôn Diom A (xã Lạc Xuân) niềm vui ấy lại nhân lên gấp bội khi Tết năm nay, gia đình chị đã có ngôi nhà mới thay vì nhà tạm vách đất lợp tôn như trước kia. Căn nhà được khởi công xây dựng từ tháng 11, do Linh mục Phạm An Nhàn - Quản xứ Giáo xứ Diom phối hợp cùng Mặt trận địa phương vận động các nhà từ thiện hỗ trợ, với số tiền 80 triệu đồng. Căn nhà tuy nhỏ nhưng lại là mơ ước mà bao năm gia đình chị MaDel không nghĩ sẽ trở thành hiện thực. “Có nhà mới, con cháu không những vui vẻ mà gia đình cũng rất phấn khởi, có thêm động lực để cố gắng lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, chị MaDel xúc động nói. 
 
Theo ông Mai Linh Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lạc Xuân, đây là một trong 5 căn nhà mà MTTQ xã phối hợp cùng các tôn giáo tại địa phương hỗ trợ sửa chữa và xây mới cho người nghèo trong năm 2022. Với 13 cơ sở tôn giáo trên địa bàn, những năm qua, MTTQ xã đã có nhiều hoạt động phối hợp chặt chẽ, khăng khít với các chức sắc, chức việc, người có uy tín trên địa bàn. Nhờ đó, các tổ chức tôn giáo đã luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương chung sức xây dựng nông thôn quê hương thêm giàu đẹp.
 
Ông Ya Tuân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đơn Dương cho biết, địa phương hiện có gần 80.000 tín đồ của 4 tôn giáo chính gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài - chiếm hơn 74% dân số toàn huyện. Riêng vùng đồng bào DTTS có khoảng 29.000 người theo đạo (chủ yếu là Công giáo và Tin lành). Với đặc điểm này, những năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc tôn giáo, tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội, nhân đạo, đấu tranh chống lại các đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây rối trật tự, vi phạm pháp luật...
 
Theo đó, năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã có nhiều chỉ đạo, hoạt động tuyên truyền, vận động và gặp mặt tiếp xúc nhằm phát huy vai trò của tôn giáo trong việc gìn giữ an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. MTTQ huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và 14 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tham gia quản lý, bảo vệ rừng, giáo dục, y tế, dạy nghề, trợ giúp xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Mặt khác, nhiều lớp bồi dưỡng, hội nghị, tập huấn... cũng được MTTQ huyện tổ chức cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các cơ sở tôn giáo nhằm phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, củng cố an ninh quốc phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”. “MTTQ huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, gặp mặt, thăm hỏi, chúc mừng các cơ sở, chức sắc, chức việc để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình tư tưởng. Từ đó, một mặt tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động thực hiện các chương trình an ninh - kinh tế - xã hội ở địa phương, mặt khác kịp thời phản ánh, kiến nghị chính quyền xem xét, giải quyết, đáp ứng tâm tư nguyện vọng hợp pháp”, ông Ya Tuân cho biết. 
 
Song song với đó, Ủy ban MTTQ huyện cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động thiện nguyện như “Tốt đời đẹp đạo”, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu... Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự, đời sống văn hóa, kinh tế ở các vùng có nhiều bà con giáo dân ngày càng được nâng cao, phát triển toàn diện. 
 
Đánh giá về những hoạt động này, ông Ya Tuân cho rằng, công tác vận động, tranh thủ chức sắc tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về cơ bản đã được thực hiện tốt; phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo trong việc vận động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo; hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật và có tiếng nói lên án, đấu tranh với các đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đã thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Đời sống tâm linh của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc nắm bắt tình hình tôn giáo, phản ánh, kiến nghị... có lúc, có việc chưa kịp thời. Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc phát huy các mặt đã làm tốt cần khắc phục những tồn tại này để việc phối hợp thực hiện chương trình hành động với các tôn giáo hiệu quả hơn.
 
NHẬT QUỲNH