Thời gian qua, trên địa bàn xã Tân Thượng (Di Linh), tình trạng tảo hôn có chiều hướng tăng lên. Chính quyền địa phương tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
|
Đoàn viên, thanh niên xã Tân Thượng phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống |
Bà Ka Dèm năm nay đã gần 70 tuổi, phải ở nhà trông cháu, khi con gái bà vừa tròn 27 tuổi nhưng đã là mẹ của ba đứa con. Bà cho biết, con gái bà nghỉ học từ năm lớp 9, bắt chồng sớm, lại sinh đông con nên con cái thường xuyên đau ốm, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn.
Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Tân Thượng vẫn tồn tại, diễn biến ngày càng gia tăng, nguyên nhân chính là do phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí còn hạn chế. Em Ka H. hiện mới bước sang tuổi 16 nhưng đã mang thai được bốn tháng. Mặc dù, em và gia đình đều hiểu rõ kết hôn sớm là vi phạm pháp luật nhưng vì lỡ có thai nên hai bên gia đình vẫn chấp nhận tổ chức đám cưới.
Theo thống kê của xã Tân Thượng, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã có 6 cặp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu, là do bỏ học, yêu sớm và quan hệ trước hôn nhân đã có thai ngoài ý muốn. Những đối tượng này đều ở lứa tuổi 15, 16 tuổi và hầu hết cuộc sống thường lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình.
Trước thực tế đó, UBND xã Tân Thượng đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hình thức tuyên truyền miệng, phát tờ rơi cho những người tham dự buổi họp dân, sinh hoạt, hội nghị, họp tôn giáo… Đặc biệt, xã đã có Nghị quyết chuyên đề về xoá bỏ những hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ đạo tổ chức các hội thi sân khấu hoá, để tuyên truyền, vận động và nêu ra những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại cho người dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ hoặc là nạn nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin…
Những ngày này, Đoàn Thanh niên xã Tân Thượng đã đến từng gia đình có con em đang độ tuổi đi học để tuyên truyền pháp luật về dân số, hôn nhân, gia đình với các hình thức đa dạng, linh hoạt. Chị Ka Săng - Bí thư Đoàn xã Tân Thượng cho biết, trong năm 2022 trên địa bàn xã rộ lên tình trạng bỏ học, kết hôn sớm, do đó, Đoàn xã đã tổ chức tuyên truyền tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hôn nhân, độ tuổi kết hôn,… cho các bạn đoàn viên. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi đến từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên để tuyên truyền cho các em và cha mẹ thay đổi nhận thức, tư duy cũ về kết hôn sớm.
Em Ka Hinh (Thôn 3) chia sẻ: “Hậu quả do việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống để lại những tác động và hệ quả lâu dài. Trước nhất là làm mất đi cơ hội học tập để cải thiện cuộc sống, sau là chất lượng của nguồn dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, trẻ sinh ra với tỷ lệ bệnh tật cao. Em được biết, các bạn tảo hôn đều có cuộc sống rất khó khăn, thay vì cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa thì các bạn phải quanh quẩn nơi góc nhà, vừa phải chăm con vừa làm rẫy. Là đoàn viên trẻ, được các cô chú tuyên truyền viên ở địa phương, giải thích về các hệ lụy mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại, em cũng đã tuyên truyền cho các bạn về hậu quả mà các bạn phải gánh chịu để các bạn không vướng vào vấn nạn này”.
Để nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ông K’Ber - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào tại địa phương, trường học... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thường xuyên phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại của vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm tảo hôn, vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số”.
HOÀNG YÊN