31.000 người tham gia diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

11:10, 10/10/2010

Lúc 7 giờ 45 phút sáng nay 10-10, lễ mittinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội với sự tham gia của 31.000 người.

Lúc 7 giờ 45 phút sáng nay 10-10, lễ mittinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội với sự tham gia của 31.000 người.

Rước Quốc huy trong lễ mit tinh
Rước Quốc huy trong lễ mit tinh

Trên lễ đài danh dự của buổi lễ có sự hiện diện của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước gồm: Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBMTTQ VN Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị... và nhiều đại biểu, vị khách trong và ngoài nước.

Đúng 7g55, cuộc mít tinh, diễu binh và diễu hành chào mừng Thủ đô ngàn năm tuổi được mở đầu bằng màn rước đuốc lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, được đoàn vận động viên tiêu biểu giương cao tiến vào quảng trường Ba Đình, rồi trao cho đại tá Nguyễn Văn Bình - anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thắp lên Đài lửa phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí  Minh, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi 65 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước ta.

Sau đó là nghi thức chào cờ, cử hành quốc ca được thực hiện trong âm vang của 21 loạt đại bác.

8g, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn lễ kỷ niệm. Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Cách đây 1.000 năm, tiếp nối các vua Hùng, vua Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Từ mốc son lịch sử đó, Thăng Long - Hà Nội trở thành vùng đất đế đô lâu đời, ngàn năm của dân tộc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn khí phách hiên ngang xứng đáng là trái tim cả nước

Sau Diễn văn của Chủ tịch Nước là màn trình diễn của đội bay do Thượng tá Lương Văn Lâm - Phó Trung đoàn phụ trách huấn luyện bay Trung đoàn C16, Sư đoàn B71 dẫn đầu. 10 máy bay trực thăng loại MI 8, MI 17 và MI 171 mang theo cờ Tổ quốc, cờ Đảng và khẩu hiệu “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” bay qua quảng trường Ba Đình mở đầu cho lễ diễu binh, diễu hành mừng đại lễ. Trong số máy bay này, có máy bay tham gia cứu hộ đồng bào lũ lụt miền Trung cũng kịp về tham gia đại lễ.

Lực lượng diễu binh gồm hơn 12.000 người là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, được chia làm 16 khối.  

Rước di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rước di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp theo là xe rước quốc huy Nước CHXHCN Việt Nam với 54 nam 54 nữ đại diện cho 54 dân tộc anh em; rồi đến xe rước di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng vĩ đại của cả dân tộc.

Dẫn dầu khối diễu hành là xe rước hình tượng rồng thời Lý, theo sau là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội với hình tượng cách điệu của Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám. Tiếp đó là xe rước bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới đối với khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; rồi đến phần diễu hành của các khối đoàn thể tiêu biểu...

Diễu binh của các lực lượng vũ trang.
Diễu binh của các lực lượng vũ trang.

Đây là lễ mittinh, diễu binh, diễu hành lớn nhất, có sự tham gia của đông đảo các lực lượng: quân đội, công an, đại diện các khối đoàn thể tiêu biểu như Hội Cựu chiến binh VN, công nhân, nông dân, trí thức, công chức - viên chức, doanh nhân, phụ nữ, thông tấn báo chí, khối các dân tộc, tôn giáo ở VN, lực lượng đại diện cho người VN ở nước ngoài và đại diện cho bạn bè quốc tế.

Khép lại Lễ Mít tinh là màn biểu diễn của Khối diễu hành nghệ thuật - Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch với 2.000 nghệ sĩ, diễn viên đã mang tới Lễ kỷ niệm một chương trình nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh hào khí dân tộc với trống hội Thăng Long rộn rã, thôi thúc lòng người hòa quyện với hình ảnh những lá cờ dân tộc, từ cờ lau của thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, định đô ở Hoa Lư, tiến tới cờ ngũ sắc của các triều đại phong kiến tự chủ và cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm của Đảng của độc lập, tự do, vững bước tiến vào tương lai trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử...

Quảng trường Ba Đình sáng 10.10 rực rỡ sắc màu, tưng bừng âm nhạc và trống hội đang thể hiện khí thế rồng bay.

Hàng vạn người dân của cả nước với trái tim nô nức, đầy tự hào cũng đang hướng về thủ đô 1.000 năm tuổi.

Đoàn diễu binh, diễu hành sau khi đi hết đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thái Học được chia làm 2 đoàn: đoàn đi theo đường Tràng Thi, qua Tràng Tiền về tập kết tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám; đoàn thứ hai đi theo đường Kim Mã và tập kết tại đường Ngọc Khánh.

Buổi lễ diễu binh, diễu hành kết thúc thành công tốt đẹp lúc 9 giờ 15 phút.

Toàn bộ chương trình sáng nay đã được tổng duyệt tối 7-10.

Theo chinhphu.vn, Thanh Niên, Tuổi Trẻ
 
Diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
 
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý,

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước,

Hôm nay, tại Thủ đô yêu dấu, chúng ta long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thân ái gửi tới đồng bào, chiến sỹ Thủ đô và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất.

Tôi chân thành cảm ơn các vị khách quốc tế đã mang đến cho Đại lễ những tình cảm ấm áp của bạn bè bốn phương. Sự hiện diện của quý vị làm cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long càng thêm ý nghĩa. Chúng tôi trân trọng tình hữu nghị quý báu của quý vị và nguyện cùng các dân tộc trên thế giới phấn đấu cho cuộc sống hòa bình của nhân loại, sự phồn vinh của mỗi dân tộc và hạnh phúc của mỗi con người.

Thưa các vị khách quý, thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!

Cách đây tròn 1000 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó, đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1000 năm với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của cả nước, để hôm nay cả dân tộc trùng phùng.

Vào giờ phút thiêng liêng này, toàn thể đồng bào ta từ mọi miền trong nước và ngoài nước, từ thành thị đến nông thôn, từ núi rừng đến hải đảo, đang hướng về Thủ đô, Ngàn năm Văn hiến. Trải qua bao thiên tai, binh lửa nhưng đồng bào các dân tộc vẫn một lòng sắt son yêu nước, ngày càng đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhau trong một tình yêu thương vững bền và sâu sắc. Chào mừng những thành tựu của Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta trân trọng những đóng góp của cả nước với Thủ đô và những đóng góp của Thủ đô với cả nước. Đó là tinh thần "cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước", thể hiện tình cảm sâu nặng và nghĩa vụ quang vinh của mỗi chúng ta. Là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống của toàn dân tộc, Thăng Long - Hà Nội nổi bật lên những phẩm chất đặc biệt: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị.

Chúng ta tôn vinh truyền thống Văn hiến của Thủ đô địa linh nhân kiệt, nơi lắng động hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người. Văn hiến thể hiện bản sắc của dân tộc như Nguyễn Trãi đã từng khảng khái: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền Văn hiến đã lâu...Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc - Nam cũng khác và tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có... Văn hiến là nền tảng hình thành tinh thần độc lập, tự chủ và chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc, là khởi đầu cho mọi sức mạnh và sự thông minh, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy sẽ trường tồn muôn thưở.

Chúng ta yêu mến và tự hào về Thủ đô Anh hùng - Danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tặng cho Thăng Long - Hà Nội. Đứng giữa Thủ đô huy hoàng trong ngày Đại lễ, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng kinh thành Thăng Long. chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà yêu nước, cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã có công xây dựng và bảo vệ Thủ đô. Biết bao trí tuệ, mồ hôi, xương máu của ông cha ta đã đổ vào mỗi thửa ruộng, mỗi con đê, mỗi đoạn đường, mỗi góc phố để Hà Nội có được như ngày nay. Suốt mấy ngàn năm đất nước và Thủ đô ta, sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa hết đời này qua đời khác. Suốt mấy ngàn năm, nhân dân ta có bao ngày được ngơi nghỉ? Bao nhiêu thế hệ cứ tiếp nối nhau kiên cường, chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên nguồn cội.

Việt Nam là một dân tộc anh hùng, Hà Nội là một Thủ đô anh hùng của Việt Nam, anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động. Anh hùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, anh hùng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý, trọng nhân nghĩa, thủy chung, nhưng không bao giờ khuất phục trước cường quyền, bạo lực.

Chúng ta cảm ơn bạn bè quốc tế đã trao tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long- Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Hồ Hoàn Kiếm gắn với huyền thoại Đức Thái Tổ Lê Lợi trả lại gươm thần sau khi đại thắng quân xâm lược, mãi mãi là hình tượng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Thăng Long- Hà Nội- Việt Nam. Chúng ta chân thành cám ơn sự thông cảm, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Việt Nam, Hà Nội đang và sẽ là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, các thủ đô, các thành phố, góp sức xây dựng cộng đồng khu vực và quốc tế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô, của đất nước con Hồng, cháu Lạc. Đó cũng chính là lẽ sống, là đạo đức và phong cách ứng xử của con người Việt Nam. Đó là di sản vô giá của Tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng giữ gìn, truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thưa đồng bào và chiến sỹ cả nước,

Hà Nội hôm nay thật đẹp. Đi giữa các phố phường của Thủ đô, mỗi chúng ta đều nhận thấy những thành tựu rất cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển, càng thêm yêu và tự hào về Hà Nội. Thủ đô đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới. Sau hàng ngàn năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội có bao giờ đẹp như hôm nay?

Nhưng cũng ngay trong thời khắc lịch sử này, khi đang hân hoan mừng ngày Đại lễ, chúng ta vẫn nhận thức sâu sắc rằng cả nước và Thủ đô còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng của dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, giàu đẹp, sánh vai cùng Thủ đô các nước trên thế giới; tích cực góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tổ quốc Việt Nam quang vinh muôn năm,

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm,

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Xin trân trọng cảm ơn!