Ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính. Nhiều đại biểu có ý kiến chung quanh Điều 104 của Luật về khởi kiện vụ hành hành chính, quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện vụ án hành chính.
Ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính. Nhiều đại biểu có ý kiến chung quanh Điều 104 của Luật về khởi kiện vụ hành hành chính, quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện vụ án hành chính.
Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 104 quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì việc khởi kiện được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội và sẽ giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước. Và cho rằng đây là nội dung rất quan trọng được coi là bước đổi mới căn bản về cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Ý kiến của đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đồng tình việc khởi kiện trực tiếp ngay từ đầu nếu không đồng ý với quyết định hành chính của hành vi hành chính, điều này thể hiện mở rộng dân chủ trong quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện quy định này thì Tòa án nhân dân các cấp tới đây sẽ có rất nhiều việc, tinh thần của luật là làm sao để xử lý công việc nhanh gọn, nếu không sẽ tồn đọng và ảnh hưởng đến việc quản lý Nhà nước.
Như vậy, Dự án luật này đã đáp ứng được yêu cầu mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án hành chính và đổi mới mạnh mẽ cơ chế, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào tố tụng hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trong tố tụng hành chính. Đại biểu Uông Chu Lưu (Sóc Trăng) nhìn nhận.
Có ý kiến đặt vấn đề là nếu theo dự án luật quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định, thì sẽ không đổi mới được cơ chế giải quyết khiếu kiện hiện nay và tình hình giải quyết khiếu kiện sẽ không có sự chuyển biến căn bản, bởi lẽ các khiếu kiện hành chính luôn phát sinh từ các lĩnh vực chuyên môn nhất định thuộc chức năng quản lý hành chính. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, vấn đề này qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 đã có hai loại ý kiến khác nhau. Và tán thành với quan điểm cho rằng tổ chức và cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ phương án cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có quyền khởi kiện vụ án ra trước Tòa mà không cần đặt ra điều kiện phải khiếu kiện lần đầu mới có quyền khởi kiện ra, kể cả trong những lĩnh vực có chuyên môn cao, thí dụ như đất đai, xây dựng, sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Uông Chu Lưu (Sóc Trăng) cho rằng, về vấn đề khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 104, tức là chúng ta đổi mới về thủ tục và trình tự, không cần phải khiếu nại ra cơ quan hành chính. Nếu đương sự không đồng tình với quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì người ta có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án hoặc người ta có quyền lựa chọn bằng thủ tục khiếu nại ra cơ quan hành chính, sau đó người ta có quyền khởi kiện tại Tòa án hành chính. Đây là sự đổi mới mạnh mẽ về thủ tục.