Thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng

08:10, 06/10/2010

Ngày 5-10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Ngày 5-10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Ông Tô Huy Rứa (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.
Ông Tô Huy Rứa (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết việc lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân, của các tổ chức đoàn thể quần chúng là một công đoạn không thể thiếu và rất quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện. Nếu không đảm bảo tốt nhất, nghiêm túc và thực chất công đoạn này thì Đảng sẽ không có được những văn kiện hoàn chỉnh, vừa là ngọn cờ chiến đấu của Đảng vừa là ý chí, sức mạnh, nguyện vọng của toàn dân tộc.

Mở nhiều kênh để tiếp nhận ý kiến

Ông Tô Huy Rứa nêu vấn đề: “Qua nắm tình hình thấy có băn khoăn cho rằng liệu sự lắng nghe tiếp nhận như thế nào, có thực chất không, nghe cái các ông muốn hay nghe cái người ta nói có thể khác nhưng đúng.

Đây là một băn khoăn chính đáng. Xin đảm bảo rằng từ kinh nghiệm sâu sắc trong lịch sử của Đảng, Đảng luôn luôn tâm niệm rằng thắng lợi của cách mạng nước ta 80 năm qua nhờ có đường lối đúng đắn và sáng tạo, đường lối đó bắt nguồn từ Đảng và từ việc Đảng biết lắng nghe, biết chắt lọc, tiếp nhận một cách thực sự cầu thị ý nguyện, ý chí và trí tuệ của nhân dân.

Giai đoạn mới của cách mạng nước ta, thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với biết bao vấn đề mới phức tạp đã và đang đặt ra, bài học trên càng trở nên vô cùng quan trọng và thiết thực. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức triển khai nhiều kênh để tiếp nhận, để nhân dân phát biểu ý kiến của mình, đã tổ chức một quy trình lắng nghe, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến góp ý từ cơ sở đến trung ương”. Ông Tô Huy Rứa mong muốn nhận được các góp ý trên tinh thần “sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, cởi mở và tôn trọng các ý kiến đề xuất khác nhau”. Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo văn kiện một cách khách quan, trung thực, đầy đủ, “không phải cái gì thích tập hợp vào, còn cái gì không thích bỏ ra”.

Nên thay đổi quan niệm đất đai là sở hữu nhà nước

Đề cập một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) được ghi trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, ông Tô Huy Rứa nói: “Xung quanh chỗ này hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến nói là ghi như vậy khác với trong Đại hội X (tại Đại hội X đã được thể hiện như sau: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất - PV). Quá trình đưa dự thảo ra trung ương thảo luận cũng có cách ghi khác nhau, ví dụ tại hội nghị trung ương 10 và 11 ghi khác và đến hội nghị trung ương 12 viết lại như trong dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011”.

Ông Rứa cũng cho biết có ý kiến nêu rằng tám đặc trưng của CNXH được nêu trong dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 là chưa đủ, hay cách ghi xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng chưa có gì để phân biệt với nước khác vì nước khác cũng hướng đến phải giàu, phải mạnh...

TSKH Trương Công Phú - ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban trung ương MTTQ VN - góp ý dự thảo cương lĩnh nên thay đổi trong quan niệm đất đai là sở hữu nhà nước.
“Nên hiểu đất đai là tài sản của toàn dân tộc, Nhà nước, tập thể, tư nhân sử dụng đất phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Việc thay đổi này là điểm đột phá trong công tác nghiên cứu lý luận, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề thực tiễn về quản lý đất đai rối ren hiện nay” - ông Trương Công Phú nói.

Cần có luật về Đảng lãnh đạo

Trong phần góp ý của mình, giáo sư Lưu Văn Đạt - Ủy viên Đoàn chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ VN - quan tâm đến vấn đề thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, theo đó cần có luật về Đảng lãnh đạo, “không phải tôi mà cố chủ tịch Lê Quang Đạo đã đề cập vấn đề này từ nhiều năm trước”.

Ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ pháp luật, góp ý trong dự thảo báo cáo chính trị lần này có đề ra “có cơ chế để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”, đây là chủ trương đúng, vấn đề là cần ghi rõ cơ quan, tổ chức nào ban hành cơ chế, tiếp đến có cơ chế nhưng cần thể chế thành pháp luật và bằng tổ chức, đồng thời cần làm rõ quyền dân chủ đại diện thì theo cơ chế nào.

Ông Đỗ Duy Thường nói: “Tôi đề nghị trong nghị quyết Đại hội XI của Đảng nên cụ thể cơ chế “nhân dân làm chủ” trên mấy vấn đề như: đề ra nguyên tắc làm chủ của nhân dân là nhân dân được làm những gì Nhà nước không cấm; Nhà nước sớm ban hành các đạo luật như luật về quyền được thông tin, luật trưng cầu ý dân, luật giám sát của nhân dân, luật phản biện xã hội, luật hội họp, luật biểu tình và đình công...”.

Ông Trương Công Phú nêu vấn đề: “Nói đến thực hiện dân chủ phải từ trung ương đến cơ sở chứ không chỉ nhấn mạnh dân chủ cơ sở”. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, cho rằng một số vấn đề cần xem lại từ cơ chế và biện pháp, “muốn sửa được phải sửa từ trên trở xuống”. Ông Nguyễn Túc kể: “Những năm 1974-1975 có lệnh tổng động viên, lúc bấy giờ để dân tin thì động viên trước hết là con các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đi trước”.

Giáo sư Lưu Văn Đạt cũng góp ý về công tác nhân sự: “Đồng chí Tô Huy Rứa có nói đến việc khó tìm người tài vào bộ máy, chúng tôi đồng cảm. Để tìm được người tài có nhiều cách, trong đó nhiều người đề cập việc Trung Quốc có Bộ trưởng ngoài Đảng, thật ra Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng tập hợp rất nhiều nhân sĩ trí thức ngoài Đảng trong bộ máy chính quyền non trẻ”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội) cho rằng nếu như nước ta chỉ có khoảng 3 triệu đảng viên mà mọi cương vị lãnh đạo từ thấp đến cao đều giao cho đảng viên thì sẽ bỏ phí nhân tài ngoài Đảng. Bà Trần Thị Ngọc Sơn - Ủy viên Đoàn chủ tịch, dẫn chứng trường hợp bản thân: “Tôi là người ngoài Đảng, hiện nay là Trưởng bộ môn cơ cấu cây trồng của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, như vậy là làm lãnh đạo của 16 đảng viên và tập thể do tôi lãnh đạo luôn được trong sạch, vững mạnh và đạt rất nhiều danh hiệu”.

Chấn hưng giáo dục

Ông Lê Truyền - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, góp ý dự thảo cương lĩnh viết về những sai lầm, khuyết điểm chưa thỏa đáng: “Tôi hiểu Cương lĩnh là đường lối dài hạn của Đảng, không thể nêu quá nhiều những sai lầm, khuyết điểm cụ thể... Nhưng không vì thế mà rút gọn lại những sai lầm, khuyết điểm cũ đã viết trong Cương lĩnh 1991. Từ năm 1991 đến nay là một thời kỳ, thời kỳ Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, nhất định có những sai lầm, khuyết điểm mới. Tôi tha thiết đề nghị cần có sự lựa chọn nghiêm túc để tìm ra những sai lầm, khuyết điểm bổ sung vào cương lĩnh lần này”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và giáo sư Phạm Thị Trân Châu - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học - giáo dục của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, đều cho rằng dự thảo văn kiện cần thể hiện tinh thần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Trong khi ông Nguyễn Lân Dũng đề nghị tập trung sửa chương trình giáo dục thì bà Trân Châu nói cần chú ý xây dựng đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết với nghề nghiệp cũng như động cơ lành mạnh của người đi học, “không phải chỉ học để lấy bằng và phấn đấu làm quan chức”.

Theo Tuổi trẻ