Trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII sáng nay 20-10, các đại biểu Quốc hội đã tổ chức đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt.
Trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII sáng nay 20-10, các đại biểu Quốc hội đã tổ chức đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt.
Đại biểu Quốc hội đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt. |
Khai mạc sáng nay (20/10), kỳ họp cuối năm 2010 của Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra trong hơn 1 tháng với 46 phiên họp toàn thể, xem xét, thông qua nhiều dự án luật, cũng như thảo luận tình hình kinh tế - xã hội.
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội và cho ý kiến 9 dự án luật.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)… Các đại biểu sẽ góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Kể từ sau kỳ họp thứ 7 và ngay trước thềm kỳ họp thứ 8, các đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước đã tiến hành tiếp xúc cử tri, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, từ những vấn đề dân sinh bức xúc cho đến những vấn đề trọng đại của đất nước.
Đúng 9h, phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thời điểm này đất nước vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển KT-XH - tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,7%.
Trình bày Báo cáo tình hình KT-XH năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006-2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.
Báo cáo cho rằng, tuy sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại thâm hụt lớn, bội chi ngân sách năm trước ở mức cao nhất trong những năm gần đây và những tác động phụ của gói kích thích kinh tế năm 2009, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn, nhưng nhờ những biện pháp điều hành linh hoạt, phù hợp nên tình hình đã có bước cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%).
Chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thoả thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn ba lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009 và đạt chỉ tiêu đề ra.
Sản xuất kinh doanh phát triển, cân đối cung cầu được bảo đảm, cùng với các biện pháp tăng cường kiểm soát giá và chống đầu cơ, thị trường giá cả đã dần ổn định. Mức tăng giá tiêu dùng 9 tháng là 6,46%, dự báo cả năm giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, tuy chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%) nhưng trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, đây là một cố gắng lớn, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm.
Liên quan sự việc của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng cho rằng, tình trạng nghiêm trọng hiện nay của Vinashin chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn.
Theo báo cáo của Thủ tướng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế của nước ta còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Hiệu quả đầu tư còn thấp, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.
Hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; cổ phần hoá và đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập. Các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; điều tiết qua thuế còn cao, thất thu còn nhiều, chi ngân sách còn lãng phí, bội chi còn lớn, nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn thâm hụt, dự trữ ngoại tệ giảm, lãi suất cho vay còn cao.
Sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ. Việc xử lý mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chưa thật hợp lý, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá cao nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn mới cho ổn định kinh tế vĩ mô.