Sáng 26/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP. Hà Nội đã khai mạc trọng thể với sự tham gia của 493 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 33 vạn đảng viên thuộc 2.942 tổ chức cơ sở đảng, 55 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Sáng 26/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP. Hà Nội đã khai mạc trọng thể với sự tham gia của 493 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 33 vạn đảng viên thuộc 2.942 tổ chức cơ sở đảng, 55 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Cácđồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội |
Đến dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm…, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.
Dự Đại hội còn có các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu…
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng Đại hội.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Sau quá trình chuẩn bị tích cực, công phu, nghiêm túc, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XV diễn ra vào thời khắc quan trọng, khi toàn Đảng bộ, nhân dân TP vừa tổ chức thành công tốt đẹp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XV có ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện to lớn trong đời sống chính trị của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô, có nhiệm vụ quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Trung ương để xác định mục tiêu cụ thể, với ý chí và quyết tâm phấn đấu cao nhất của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô; quyết định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo; thảo luận, góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng, dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XV của Đảng bộ Thành phố; tiến hành bầu cử BCH Đảng bộ TP khóa XV, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XI của Đảng...
Sau diễn văn khai mạc, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ thành phố khoá XIV. Dự thảo báo cáo chính trị đã xác định chủ đề của Đại hội: “Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Báo cáo nêu rõ: Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội 2006 - 2010, Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ tỉnh Hà Tây, Đảng bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và Đảng bộ 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chủ yếu.
Đối với Đảng bộ Hà Nội, tiếp tục phát huy thành tựu sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ 2001 - 2010”, đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bảo đảm duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, một số chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2 năm (2006 - 2007) tăng 11,81%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (dịch vụ 57,4%, công nghiệp 41,2%, nông nghiệp 1,4%). Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực; các công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trật tự kỷ cương giao thông, văn minh đô thị được chấn chỉnh, hệ thống dịch vụ công cộng đô thị được duy trì, phát triển. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo; y tế; thể dục - thể thao; khoa học - công nghệ và thực hiện chính sách xã hội có chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được triển khai tích cực, có hiệu quả. Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường. Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế tiếp tục được mở rộng và phát huy hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh và có chuyển biến mới.
Đối với Đảng bộ tỉnh Hà Tây, đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị nửa nhiệm kỳ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao; thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh; các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế và hạ tầng xã hội được tăng cường. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2 năm (2006 - 2007) đạt 13,04%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng: công nghiệp 42%, dịch vụ 31,3%, nông nghiệp 26,7%. Văn hoá - xã hội có chuyển biến, tiến bộ; đời sống của nhân dân nói chung, của đồng bào các dân tộc và miền núi trong tỉnh nói riêng được cải thiện. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, nhất là các nhà văn hoá thôn, bản, khu dân cư. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển. Công tác tôn giáo và dân tộc được quan tâm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; lĩnh vực quốc phòng và quân sự địa phương được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi trọng. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực.
Đảng bộ huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và Đảng bộ các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (tỉnh Hòa Bình) đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp mình, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và kế hoạch đề ra.
Những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội của các Đảng bộ trước khi hợp nhất về Hà Nội là tiền đề và động lực quan trọng để Đảng bộ Thành phố tiếp tục phát huy trong giai đoạn Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII), với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới.
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khoá XII), từ ngày 01/8/2008, Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng gấp trên 3,6 lần, dân số tăng gần gấp đôi, mở ra triển vọng to lớn để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Thành phố tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; sự ủng hộ, hợp tác tích cực của các tỉnh, thành trong nước. Những thành tựu, kinh nghiệm sau hơn 20 năm đổi mới kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cùng với việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, đã tạo ra cho Hà Nội những thuận lợi cơ bản, thu hút, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hơn hai năm cuối nhiệm kỳ, vượt lên những khó khăn, thử thách, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức phấn đấu, tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ Thành phố trong tình hình mới, chủ động khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Các chương trình, đề án công tác của Thành ủy trong lĩnh vực phát triển kinh tế và chủ trương kích cầu của Chính phủ được thực hiện có hiệu quả, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, đưa kinh tế Thủ đô tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Bình quân 5 năm (2006 - 2010), tổng sản phẩm nội địa Thành phố (GDP) dự kiến tăng 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao và sản phẩm mũi nhọn.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV trình Đại hội, thể hiện tinh thần tự phê bình cao, phản ánh khách quan tình hình mọi mặt của thành phố và Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua; chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ qua: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí của Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét; sức lan tỏa của một “trung tâm kinh tế lớn”, vai trò của một “động lực kinh tế” trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ chưa được phát huy đầy đủ; Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn nhiều yếu kém; hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô; việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu của một Thủ đô ngàn năm văn hiến; vai trò của một trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế chưa phát huy được đầy đủ; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng kết quả còn hạn chế…
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu ý, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đảng bộ Hà Nội phải tập trung mọi nỗ lực tạo sự chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tiếp tục phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, chống những hành vi tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; Đồng thời, các bộ, ban, ngành Trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Thành phố, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố. Cán bộ, công chức các cơ quan Trung ương sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô cũng phải nêu gương chấp hành luật pháp, chấp hành các quy định của Thành phố, tham gia vận động quần chúng, hưởng ứng các phong trào thi đua, đóng góp thiết thực cho thành phố.
Đồng chí yêu cầu các đại biểu cần đi sâu phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm để có cơ sở đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới; tập trung thảo luận làm sâu sắc thêm chủ đề Đại hội Đảng bộ của Thành phố và cũng là quyết tâm chính trị của Đảng bộ Hà Nội nêu trong Báo cáo chính trị; đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào các dự thảo văn kiện Đại hội XI và sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XV, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển.
Tại Đại hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu đã tiến hành quyên góp, chia sẻ với đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại sau 2 trận lũ lớn với số tiền hơn 127 triệu đồng.
Phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV.