Tại quần thể di tích Đền Sóc trên đỉnh núi Đá Chồng, Chùa Non, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, Giáo hội phật giáo Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Đức Thánh Gióng. Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tại quần thể di tích Đền Sóc trên đỉnh núi Đá Chồng, Chùa Non, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, chiều nay, Giáo hội phật giáo Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Đức Thánh Gióng. Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tượng Gióng. |
Tượng có chiều cao tới đỉnh là 14,02m, đường cong của tượng là 20m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm 5 thớt để đúc. Thớt đồng đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt cuối cùng đúc phần đế tượng, có trọng lượng lớn nhất, nặng trên 25 tấn. Được bắt đầu triển khai từ năm 2007, do Giáo hội Việt Nam làm chủ đầu tư, đúng 9 giờ 9 phút, ngày 9/9/2009 bắt đầu đúc thớt đồng đầu tiên.
Thánh Gióng là vị thánh lớn nhất, có tầm ảnh hưởng nhất trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ với đồng bào 3 điều tâm đắc, đó là: Tâm đắc về lòng yêu nước của Thánh Gióng; Tâm đắc về sức mạnh của Thánh Gióng; Và hơn nữa là Thánh Gióng có công lao và tài năng lớn nhưng không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi phong chức, phong tước, đánh giặc xong, thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản. Ngài ra đi khi nước nhà bình yên, khi giặc ngoại xâm không còn nữa, điều đó đáng cho tất cả chúng ta phải học tập.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh: “Tượng đài này xây dựng để trước hết chúng ta tỏ lòng thành kính với một vị Thánh đã có công với dân với nước và chúng ta tỏ lòng biết ơn tổ tiên nguồn cội đã có công dựng nước, giữ nước. Tượng đài này cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta phải biết giữ gìn những thành quả của ông cha ta để lại, phải bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên. Đó là máu xương, là hồn thiêng sông núi, chúng ta phải truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau để họ thấm nhuần tinh thần này, để họ giữ vững đất nước tổ tiên, giữ vững được độc lập tự do của Tổ quốc và hơn thế nữa, chúng ta quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam XHCN đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong thời đại mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.
Theo Báo Hà Nội Mới