Hà Nội đã đăng ký vào danh sách các thành phố “Sẵn sàng thích ứng với thiên tai”

09:10, 13/10/2010

“Các thành phố thích ứng với thiên tai – Thành phố của tôi đang sẵn sàng” là chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay, nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, công chúng về rủi ro thiên tai đối với khu vực đô thị.

“Các thành phố thích ứng với thiên tai – Thành phố của tôi đang sẵn sàng” là chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay, nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, công chúng về rủi ro thiên tai đối với khu vực đô thị.
 
* Đô thị Việt Nam trước những thách thức mới

Trao giải vẽ tranh thiếu nhi chủ đề "Thành phố thích ứng với thiên tai" nhân ngày Quốc tế Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Trao giải vẽ tranh thiếu nhi chủ đề "Thành phố thích ứng với thiên tai" nhân ngày Quốc tế Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Các đô thị Việt Nam đang ngày càng được mở rộng và cải thiện về điều kiện sống, hạ tầng nhưng những nguy cơ do biến đổi khí hậu đặt Hà Nội nói riêng và các thành phố nói chung trước những thách thức mới trong quá trình phát triển bền vững.

Điều đáng nói là nhiều đô thị Việt Nam phân bố dọc ven biển, nơi chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai. Riêng trong đợt lũ tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, từ đầu tháng 10 đến nay đã làm gần 90 người chết và mất tích, hơn 2.000 ngôi nhà bị sập, trôi, gần 151.000 nhà bị ngập, hư hại, ước tính thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng.

Ông Trịnh Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết: Thủ đô của chúng ta bị ảnh hưởng bởi lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống từ thượng nguồn đổ về đe dọa đến sự an toàn hệ thống đê điều bảo vệ Thủ đô, gây sạt lở bờ bãi. Do địa hình trũng nên ngập úng cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả nội và ngoại thành khi có mưa lớn. Về mùa khô, hạn hán cục bộ lại đe dọa và mùa khô năm 2009-2010, mực nước sông Hồng thấp kỷ lục chỉ còn 0,1m so với mực nước biển.

Với khoảng 20.000 ha rừng, cháy rừng cũng là một thách thức không thể loại trừ. “Một loại thiên tai phát triển cùng với đô thị hóa đó là hỏa hoạn. Việc xuất hiện ngày càng nhiều nhà chung cư cao 70-80 tầng khiến thành phố phải đặt ra phương án chủ động phòng chống với hỏa hoạn và động đất”, ông Hùng nói.

“Một đồng phòng hơn bảy đồng chống”

Ngày Quốc tế phòng chống thiên tai được tổ chức vào ngày thứ 4 tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trên toàn thế giới.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm nay diễn ra ngày 13/10, bà Setsuko Yamazaki, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, đã dùng câu nói “một đồng phòng hơn bảy đồng chống” của người Việt Nam để nhấn mạnh đến tính chủ động trong ứng phó với thiên tai ở các đô thị.

Theo bà Setsuko Yamazaki, có 4 vấn đề mà các thành phố, cộng đồng dân cư các khu đô thị phải xem xét để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đó là phải giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo; nhất thiết đưa ra các giải pháp giảm rủi ro thiên tai có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu khi lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; tăng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rủi ro thiên tai và mỗi người dân, mỗi địa phương, mỗi ngành cần tích cực chủ động, đi tiên phong trong công tác phòng ngừa thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học cũng khẳng định, trong 65 năm qua, Việt Nam đã từng bước hình thành hệ thống quan điểm và giải pháp ứng xử mang tính tổng hợp để thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai trong đó lấy chủ động phòng tránh là chính.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các thành phố của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố thích ứng với thiên tai toàn cầu và chuẩn bị sẵn sàng cho ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã hiện hữu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Huy Hùng cho biết, với mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội sẵn sàng thực hiện những cam kết của quốc tế và đăng ký tham gia chiến dịch thành phố giảm nhẹ thiên tai.

Tính đến thời điểm này đã có hơn 100 thành phố trên toàn thế giới tham gia vào chiến dịch này và đang triển khai 10 bước căn bản để giúp cộng đồng nhiều thành phố an toàn hơn với thiên tai

Theo Website của Bộ TN-MT