Ðổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền ở cơ sở

07:10, 25/10/2010

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định: Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định: Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Những định hướng trong Chiến lược là đúng đắn, song vấn đề đặt ra là việc chọn giải pháp cụ thể để triển khai, thực hiện. Ðại hội Ðảng lần thứ XI chắc chắn sẽ thảo luận và xác định những giải pháp cụ thể. Chúng tôi xin góp ý với Ðảng một số vấn đề về xây dựng chính quyền ở cơ sở.
 
Thứ nhất, xây dựng chính quyền ở cơ sở theo hướng hình thành bộ máy thi hành pháp luật của Nhà nước và những quyết định của UBND cấp trên tại cơ sở. Chính quyền xã với năng lực hiện tại không thể là cơ quan làm chính sách, cho dù chính sách trong phạm vi của xã, phường. Vì vậy, chỉ cần tổ chức UBND ở cấp xã, phường đồng thời đổi thành UBHC (ủy ban hành chính) để đúng với bản chất quyền lực hành pháp.

Thứ hai, cần duy trì một đội ngũ cán bộ chính quyền ở cơ sở ổn định, nhất là những công chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước như địa chính, hộ tịch, tư pháp. Sự ổn định của đội ngũ công chức này sẽ giúp cho việc theo dõi, quản lý hoạt động thi hành pháp luật ở cấp cơ sở một cách liên tục, hệ thống. Mặt khác, sự ổn định này đồng nghĩa với việc duy trì trình độ và kỹ năng thực thi công việc. Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi nhiệm kỳ thì lại có một loạt sự thay đổi nhân sự trong bộ máy của UBND xã, phường. Những người được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, vừa mới bố trí công việc thích hợp thì lại thay đổi, điều động.

Thứ ba, thực hiện việc Chủ tịch UBND huyện, thị xã bổ nhiệm Chủ tịch UBND xã, phường và cách chức khi không thực hiện tốt công việc. Ðây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ’phân chia quyền lực’, cục bộ giữa các thôn trong xã, giữa các dòng họ trong thôn. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp cụ thể để đánh giá năng lực và đạo đức, sự tín nhiệm của nhân dân đối với lãnh đạo của chính quyền ở cơ sở. Chính quyền ở cơ sở gần dân bao nhiêu thì cần được để nhân dân trực tiếp giám sát bấy nhiêu. Việc bổ nhiệm, bãi nhiệm lãnh đạo chính quyền ở cơ sở cần dựa trên cơ sở đánh giá của nhân dân.

Thứ tư, cần thực hiện chế độ trả lương cho công chức chính quyền xã, phường theo đúng năng lực và trình độ chuyên môn được đào tạo. Cần khắc phục sự phân biệt hệ số lương, phụ cấp dựa trên tiêu chí là công chức cấp xã, phường hay cấp huyện. Sự thiếu công bằng và từ đó là sự triệt tiêu động lực và nhiệt tình của công chức chính quyền ở cơ sở bắt nguồn từ chế độ đãi ngộ công chức nói chung, nhất là công chức ở cấp cơ sở. Trong thực tế, có những người cùng tốt nghiệp đại học hoặc trung học, có năng lực ngang nhau, song người trở thành công chức, cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh thì hưởng lương và phụ cấp cao hơn người về làm việc ở chính quyền ở cơ sở.

Thứ năm, cần có những quy định tạo cơ sở pháp lý để UBND các xã, phường, thị trấn, tư vấn trưởng thôn, trưởng bản trong việc đưa ra các quyết định hành chính. Trưởng thôn, trưởng bản là những người được cộng đồng dân cư tín nhiệm bầu lên, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Chính vì vậy, sự tham gia và tư vấn của trưởng thôn trong các phiên họp của UBND xã, phường cũng như trong việc đưa ra quyết định hành chính, trong thi hành pháp luật là một giải pháp giúp nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền ở cơ sở.

Thứ sáu, cần đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất cho chính quyền cấp cơ sở. Trụ sở cơ quan công quyền phải có những điều kiện tối thiểu để thực thi quyền lực. Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công vụ cần phải được lưu giữ và bảo quản một cách an toàn, bảo đảm giá trị pháp lý khi cần xác minh hoặc xử lý những yêu cầu cụ thể của nhân dân. Thực tế cho thấy không ít trường hợp người dân phải về nhà riêng của lãnh đạo UBND xã để xin chữ ký và xin dấu. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công vụ của UBND xã, phường cần phải được coi là ưu tiên trong bối cảnh đội ngũ cán bộ chính quyền ở cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập.

GS, TS LÊ HỒNG HẠNH
Viện trưởng Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp

Theo Nhân Dân