Trong tháng này hoặc chậm nhất đầu tháng 11 sẽ có một Vinashin mới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo Tái cơ cấu Vinashin cho biết.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại thảo luận tổ. |
Thưa Phó Thủ tướng, những bước tiếp theo trong tái cơ cấu tập đoàn này sẽ là gì?
Mục tiêu là tạo ra ngành đóng tàu, trong đó Vinashin là chủ lực. Tập đoàn này không làm tất cả, nước ngoài, tư nhân cũng có thể tham gia.
Ngoài ra, những khoản nợ cần giãn ra, thậm chí đàm phán có thể giảm xuống. Nhưng tập đoàn vẫn phải trả. Trả bằng cách làm ăn ra, đóng được tàu, bán được tàu. Hai là phải cơ cấu lại, bán bớt, cổ phần bớt. Tiếp theo là thực hiện biện pháp tài chính, nợ cũ thành nợ mới, nợ mới kéo dài hơn.
Làm như vậy, những thiệt hại có thể có nhưng phải hạn chế tối đa. Phương châm của ta là cái gì làm lợi được thì tiếp tục làm, nhưng có những cái phải phá sản. Trong số hơn 200 doanh nghiệp con của Vinashin có thể cho phá sản, bán bớt đi. Mục tiêu lâu dài không thể bỏ công nghiệp đóng tàu, vì nước ta có bờ biển dài, tương lai lại càng quan trọng.
Nhu cầu vận tải biển thế giới sau khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ hồi phục. Dần dần Vinashin sẽ lấy lại được vị thế của mình.
Ông có thấy khó khăn gì trong việc tái cơ cấu?
Khó khăn ở chỗ tính mất cân đối rất nghiêm trọng. Cho nên cùng một lúc phải giải quyết 3 việc: ổn định sản xuất, thanh tra, xử lý nợ nần. Nợ đến hạn phải tính toán, đàm phán nhưng không đơn giản.
Cũng phải rút kinh nghiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra giám sát thế nào, quản lý chủ sở hữu ra sao. Trước đây phân cấp quá rộng. Những điều này phải chỉnh đốn. Cho nên quyết định lập Vinashin mới, đi theo đó là bản điều lệ mới, quy chế tài chính mới. Cái khó là phải làm đồng bộ và khẩn trương.
Vinashin hiện nay đang được quản lý thế nào?
Bây giờ ban chỉ đạo có từng tổ, trong đó có tổ cơ cấu tài chính, tổ sản xuất, đầu tư, tổ chuyên giám sát. Nắm chắc sổ sách, tình hình hiện có. Nhưng áp vào thị trường thì còn phải kết thúc kiểm toán, kết thúc đánh giá.