Nằm trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vừa qua Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia tại một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2017.
Nằm trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vừa qua Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia tại một số tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2017.
Năm Du lịch Quốc gia 2010 với trọng tâm là Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thành công tốt đẹp. |
Theo kế hoạch này, từ năm 2012 - 2017, Bộ VHTT&DL đã làm việc và đi đến thống nhất với các địa phương chủ trì đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia theo thứ tự sau: tỉnh Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức năm 2012; thành phố Hải Phòng (2013); tỉnh Lâm Đồng (2014); tỉnh Thanh Hóa (2015);tỉnh Kiên Giang (2016) và tỉnh Lào Cai (2017).
Bộ VHTT&DL cũng cho biết: từ năm 2003 đến nay, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia được các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên và Hà Nội luân phiên đăng cai tổ chức,trở thành sự kiện quốc gia nhằm quảng bá về Du lịch Việt Nam nói chung và các vùng miền, địa phương nói riêng.
Với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội, hội tụ ngàn năm”, Năm Du lịch Quốc gia 2010 bắt đầu từ tháng 10/2009 do Thủ đô Hà Nội đăng cai, là sự kiện văn hoá du lịch lớn trong năm 2010 và sẽ được tổ chức xuyên suốt trong cả năm, chủ yếu tại Hà Nội với nhiều hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2010 được tổ chức không chỉ gắn liền với các hoạt động của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội mà còn gắn với quá trình triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và cả nước.
Năm Du lịch Quốc gia 2011 sẽ được tổ chức tại Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Như vậy, cho đến nay, sự kiện Năm Du lịch Quốc gia đã trở thành hoạt động thường niên trong nước lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam; là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động đào tạo lại nguồn nhân lực; xây dựng, làm mới, xúc tiến sản phẩm tại các thị trường nước ngoài; góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch; thúc đẩy du lịch tại các địa phương trong cả nước phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để phát huy những mặt mạnh và hạn chế những điểm yếu cần khắc phục trong công tác tổ chức, Năm Du lịch Quốc gia cần phải được xây dựng kế hoạch triển khai sớm, làm cho sự kiện Năm Du lịch trở thành hoạt động lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của đất nước nói chung, các vùng miền nói riêng.