Tối 10-10, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hóa nghệ thuật với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay".
Tối 10-10, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hóa nghệ thuật với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay".
19 giờ 30 phút, khu vực khán đài A, C và D của Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình chật kín khán giả. Khu vực khán đài B dành cho sân khấu biểu diễn, với một màn hình lớn và hệ thống nhạc nước hiện đại. Tham gia biểu diễn tại lễ hội, có gần 7.000 diễn viên, vận động viên, sinh viên các trường nghệ thuật, học sinh Trường Thể thao thiếu nhi 10-10, thành viên các câu lạc bộ người cao tuổi...
Phần mở màn đêm hội là những hiệu ứng kỹ xảo đưa người dân gặp lại những đặc trưng của văn hóa Tây Bắc, biển, đảo, không gian dãy Trường Sơn, Tây Nguyên hay những công trình kiến trúc tiêu biểu Hà Nội. |
Trong số các nhạc cụ, đáng chú ý có dàn 100 trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa. Các diễn viên biểu diễn trên ba sân khấu: sân cỏ, sân khấu tròn hình trống đồng ở chính giữa và sân khấu triền đê ở hai bên, tạo không gian cao thấp khác nhau. Trang phục của diễn viên được thiết kế dựa trên các mầu tiêu biểu của từng thời đại: Thời Lý với mầu xanh men gốm, thời Trần với mầu vàng nâu, thời Lê với mầu chàm, thời Nguyễn nổi bật với mầu hoa đào, hoa mai. Chương trình gồm ba chương, điểm lại những mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, là: 'Quyết định trọng đại', 'Tinh hoa nghìn năm văn hiến' và 'Thời đại Hồ Chí Minh - Thông điệp thành phố vì hòa bình'.
Sau lời khai mạc của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đêm hội bắt đầu với màn trình diễn công nghệ chiếu sáng hiện đại, ấn tượng. 400 diễn viên trong trang phục ước lệ, cách điệu, trình diễn vũ điệu những đứa con của rồng vừa kiêu hãnh, vừa bay bổng, khoáng đạt. Trong âm vang của 100 trống đồng trầm hùng, ánh sáng rực rỡ, hình ảnh Vua Lý Công Uẩn đọc 'Chiếu dời đô', đánh dấu thời khắc thiêng liêng một nghìn năm trước, mở ra thời kỳ thịnh trị, hào hùng của nước Ðại Việt.
400 diễn viên và 600 vận động viên trong trang phục các dân tộc Việt Nam, thể hiện các vũ điệu dân gian, niềm vui trăm họ, cùng chung sức xây dựng Kinh đô. Trên màn hình, hình ảnh ngựa trắng lao đi trong không gian huyền thoại của Thăng Long cổ kính. Dưới sân khấu, 550 vận động viên với những dải lụa, thể hiện từng đợt sóng lúa chín vàng, dòng sông Hồng uốn lượn, cùng những cánh buồm nâu nhẹ nhàng theo dòng chảy, hình ảnh những làng nghề, cảnh sinh hoạt hằng ngày của người dân. Những điệu múa dứt khoát, mạnh mẽ, thể hiện khúc ca múa khải hoàn, mừng chiến công của Nhà Lý thắng giặc ngoại xâm.
Những tiết mục trong chương hai “Hào khí đất thiêng - Tinh hoa ngàn năm văn hiến”. |
Chương hai mở đầu với không khí của Hội nghị Diên Hồng, âm vang của 'Bạch Ðằng giang phú'. Âm nhạc sâu lắng, văng vẳng tiếng mõ, lời kinh Phật, tiếng lá cây xào xạc khi gần, khi xa, hình ảnh vua Trần Nhân Tông thiền tịnh trên núi Yên Tử cùng màn biểu diễn Thái cực quyền của hơn 500 cụ ông, cụ bà trong trang phục sa-tanh trắng, là điểm nhấn ấn tượng, thể hiện chiều sâu văn hóa, truyền thống văn hiến ngàn đời của dân tộc và kinh đô Thăng Long.
Thời Nhà Lê được tái hiện với lời 'Ðại cáo bình Ngô', lá cờ khởi nghĩa của Lê Lợi bay phấp phới, nét bút tài hoa của Nguyễn Trãi lướt trên những chiếc lá vàng. Màn đồng diễn võ thuật, biểu dương sức mạnh thượng võ của dân tộc, tiếng trống rền vang và hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn hùng dũng ra trận tái hiện chiến thắng của đoàn quân của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Màn múa hoa đào, nhân dân thành Thăng Long và công chúa Ngọc Hân đón vua Quang Trung đại thắng.
Chương ba với điểm nhấn là màn tái hiện không khí sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trên mặt sân khấu trống đồng, với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng hiện đại, bừng lên sắc thắm của cờ đỏ búa liềm. Lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập thể hiện hào hùng khát vọng, ý chí ngàn đời của người dân nước Việt. Trên sân khấu lớn là màn múa hoa sen của hơn 500 diễn viên, trong giai điệu thiết tha 'Người về đem tới niềm vui'.
Hà Nội Anh hùng, hiên ngang vượt qua bom đạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp qua màn biểu diễn 'Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh'. Hà Nội ngày giải phóng 10-10-1954 'trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về...'. Hình ảnh Thủ đô chiến đấu chống Mỹ, cứu nước với trận chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 gợi nhắc những ngày tháng hào hùng.
Màn pháo hoa rực sáng trên sân Mỹ Đình tối 10/10. |
Lễ hội kết thúc với màn đại hợp xướng 'Bài ca 1000 năm Thăng Long - Hà Nội' và màn biểu diễn pháo hoa nghệ thuật ấn tượng. Tràn ngập trong niềm vui ngày hội, những người có mặt trên sân vận động, nhiều người dân trên đường phố và theo dõi chương trình lễ hội qua màn ảnh nhỏ bày tỏ niềm xúc động được chứng kiến một lễ hội hoành tráng, rực rỡ và thành công như thế.
Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mãi mãi âm vang và lắng đọng. Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị chào tạm biệt bằng hình ảnh rồng vàng vươn lên trời cao trong tầm vóc mới, mang theo hoài bão xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới.