Bế mạc Hội nghị cấp cao APEC 18 tại Nhật Bản

11:11, 14/11/2010

Chiều 14/11, sau hai ngày làm việc tại thành phố Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và Hành động” đã kết thúc tốt đẹp.

Chiều 14/11, sau hai ngày làm việc tại thành phố Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và Hành động” đã kết thúc tốt đẹp.

Các đại biểu tại Hội nghị cấp cao APEC 18.
Các đại biểu tại Hội nghị cấp cao APEC 18.
Tại lễ thông qua văn kiện được tổ chức trọng thể ở Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogor và Tương lai,” cùng ba văn kiện kèm theo về “Tuyên bố đánh giá thực hiện các Mục tiêu Bogor,” “Chiến lược tăng trưởng của APEC” và “Biện pháp hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.”

Với Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogor và Tương lai,” Hội nghị Cấp cao APEC 18 đã khép lại với những kết quả hết sức có ý nghĩa, mở ra một chặng đường mới cho tiến trình hợp tác APEC trong những năm tới.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã tham dự Phiên họp kín thứ hai của Hội nghị Cấp cao APEC 18.

Với chủ đề “Mục tiêu Bogor và Tương lai APEC,” các nhà lãnh đạo tập trung đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, thảo luận biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đóng góp của APEC trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và phương hướng phát triển APEC trong những năm tới.

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc của tiến trình liên kết kinh tế khu vực, góp phần làm cho APEC trở thành một diễn đàn kinh tế quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo ghi nhận 13 nền kinh tế thành viên, trong đó có 5 nền kinh tế phát triển là Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Hoa Kỳ, cùng 8 nền kinh tế đang phát triển là Chile, Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Đài Bắc (Trung Quốc), đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư mà Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai (năm 1994) đề ra, góp phần quan trọng đưa thương mại của APEC gia tăng mạnh mẽ.

Các nhà lãnh đạo cũng chỉ rõ, tất cả các thành viên APEC cần tiếp tục cùng nhau nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật, hỗ trợ phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Các nhà lãnh đạo APEC cam kết đẩy mạnh liên kết kinh tế thông qua nỗ lực tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giảm thiểu các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ và vốn. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận và nhất trí thông qua nhiều biện pháp cụ thể tăng cường kết nối hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cải cách cơ cấu, chuỗi cung ứng khu vực.

Các nhà lãnh đạo đã bàn về cách thức hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở các cơ chế hợp tác khu vực hiện có như ASEAN+3, ASEAN+6, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), và các biện pháp tự do hóa dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Trước sự trì trệ của hệ thống thương mại đa phương, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm kết thúc Vòng đàm phán Đoha trong năm 2011, và cam kết tiếp tục không áp dụng các biện pháp bảo hộ đến năm 2013.

Phiên họp dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng phát triển của APEC. Trên cơ sở những thành tựu đáng kể mà APEC đã đạt được, các nhà lãnh đạo lần đầu tiên nhất trí về các phương hướng xây dựng Cộng đồng APEC, bao gồm liên kết kinh tế chặt chẽ và sâu rộng, chất lượng tăng trưởng cao và môi trường kinh tế an toàn. Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh việc Hoa Kỳ đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 19 tại Hawaii vào tháng 11/2011.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, với sự năng động và tiềm lực to lớn, APEC đã đạt những bước tiến đáng kể trong thực hiện các Mục tiêu Bogor, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh các cơ chế khu vực, trong đó có ASEAN và giữa ASEAN với đối tác, đã thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và đề nghị cùng hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng kinh tế, "Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN" và các chương trình hợp tác tiểu vùng của hiệp hội.

Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC cần hành động mạnh mẽ để sớm kết thúc Vòng đàm phán Đoha bằng mọi phương thức, tăng cường hỗ trợ các thành viên đang phát triển để có thể hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo.

Trưa 14/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự Cuộc họp Cấp cao đầu tiên của 9 nước thành viên TPP, gồm Brunei, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam.

Lãnh đạo các nước thành viên đã hoan nghênh việc Việt Nam và Malaysia chính thức tham gia đàm phán TPP, đồng thời xác định phương hướng cho tiến trình đàm phán trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác nỗ lực để TPP trở thành một liên kết kinh tế khu vực mới, năng động, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế, tăng trưởng, thịnh vượng của khu vực.

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 18, ngày 14/11, tại thành phố Yokohama, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mexico Felipe Calderon.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Calderon cùng chia sẻ quan điểm về những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam-Mexico, và khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Trước mắt, hai bên sẽ thúc đẩy việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-công nghệ.

Tổng thống Calderon khẳng định Mexico sẽ tiếp tục tiếp nhận sinh viên và cán bộ Việt Nam sang đào tạo. Tổng thống Mexico mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp để Mexico tổ chức thành công Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 vào cuối năm nay./.
Theo TTXVN