Sáng 4/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố Báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh năm. Theo đó, năm 2010, Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm ngoái về mức độ thuận lợi kinh doanh, xếp ở vị trí thứ 78 trong tổng số 183 nền kinh tế.
Sáng 4/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố Báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh năm. Theo đó, năm 2010, Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm ngoái về mức độ thuận lợi kinh doanh, xếp ở vị trí thứ 78 trong tổng số 183 nền kinh tế.
Về thành lập DN, nhờ áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu mà thứ hạng về lĩnh vực này của Việt Nam năm nay đã tăng đáng kể, vị trí 100 trong tổng số 183 nền kinh tế.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà ở và chuyển quyền cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các Sở Tài nguyên môi trường địa phương… đã làm cho việc cấp giấy phép xây dựng thuận lợi hơn. Nhờ đó, trong lĩnh vực này Việt Nam đã tăng 8 bậc, từ vị trí 70 trong năm 2010 lên vị trí thứ 62 trong bảng xếp hạng năm nay. Ngoài ra, thông tin tín dụng cũng là lĩnh vực mà Việt Nam đã rất nỗ lực cải cách trong năm qua, không còn bị thụ động, giờ đây người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng và được quyền sửa thông tin sai… giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 15 trong lĩnh vực này.
Nhận xét về thứ bậc cải thiện của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 4 ở Đông Á có mức cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất trong suốt một năm qua. Với những nỗ lực của mình, lần đầu tiên kể từ năm 2004 Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất khu vực. “Việc đưa ra những chính sách cải cách chỉ là bước khởi đầu, tuy nhiên việc thực thi những chính sách đó trong thực tế mới là quan trọng. Nếu những chính sách mà Chính phủ Việt Nam đưa ra được thực thi “chuẩn” trong thực tế thì kỳ vọng về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh và thứ hạng của Việt Nam sẽ cao hơn trong năm tới”, bà Victoria lưu ý.
Bình luận về báo cáo năm nay của WB, TS Nguyễn Đình Cung – Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, báo cáo của WB đã phản ánh ở mức độ nào đó những gì đã diễn ra tại Việt Nam trong một năm qua. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực mà WB đưa ra đánh giá thì lại chỉ đề cập tới 9 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại chỉ đo lường 3-4 chỉ tiêu nhỏ, nghĩa là chỉ có 36 chỉ tiêu trong hàng nghìn chỉ tiêu đo lường trong môi trường kinh doanh của một quốc gia. Do đó, báo cáo năm nay không đo lường được hết mọi khía cạnh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Xét về thứ tự xếp hạng của Việt Nam, ông Cung lưu ý, “dù Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm ngoái, tuy nhiên đây chỉ là con số mang tính định lượng và chúng ta cũng không nên quá chủ quan nói rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tiến bộ nhiều so với trước”. Ông Cung đơn cử ví dụ, khi nói đến tiếp cận nguồn vốn báo cáo của WB chỉ đo lường thủ tục tiếp cận thông tin, còn các chỉ tiêu khác: điều kiện tiếp cận vốn, đối xử trong tiếp cận nguồn vốn, giá trong tiếp cận vốn (lãi suất)… rất tiếc báo cáo lại chưa đề cập tới.
Theo Đầu tư