Trong khi dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh cơ bản đã được khống chế thì dịch lở mồm long móng trên gia súc đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguy cơ dịch phát tán và lây lan ra diện rộng là rất cao.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tính đến ngày 4/1, dịch lở mồm long móng lại lan rộng ra 15 tỉnh gồm Sơn La, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên và Hà Giang.
Nguy cơ dịch phát tán và lây lan ra diện rộng là rất cao, để ngăn chặn tình trạng dịch lây lan, lãnh đạo Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y vùng tiếp tục cử cán bộ xuống địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Trong những ngày đầu năm 2011, liên tiếp năm tỉnh gồm Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên và Hà Giang tái phát dịch lở mồm long móng. Đáng chú ý là tại Lạng Sơn, dịch lở mồm long móng đã được phát hiện tại tám xã mới thuộc các huyện đang có dịch, nâng tổng số xã có dịch lở mồm long móng tại Lạng Sơn lên 63 xã với tổng số gia súc mắc bệnh lên hơn 2.100 con…
Ngay sau khi công bố dịch, các địa phương đã triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, đồng thời tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường ngăn chặn dịch lây lan.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc cho trâu tại Bắc Kạn. |
Để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn vệ sinh cung cấp cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương cần tăng cường giám sát việc vận chuyển gia súc, kịp thời dập dịch khi phát hiện dịch, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi không giết mổ gia súc bị dịch để ăn, không buôn, bán, hoặc vận chuyển gia súc bị bệnh đi nơi khác…
Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc cơ quan Thú y vùng 1 nhấn mạnh dịch lây lan do việc tiêm phòng chưa triệt để, vì đối với virus lở mồm long móng tuýp 0 thì việc tiêm phòng đầy đủ sẽ ngăn chặn được dịch.
Cơ quan thú y vùng đã cử các đoàn xuống các tỉnh xuất hiện dịch yêu cầu và chỉ đạo bằng mọi cách phải ngăn chặn và dập dịch./.