Bộ Tài chính cho biết, đang tính đến phương án sửa đổi một số quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể nâng 6 triệu đồng/tháng hoặc thu hẹp bậc chịu thuế.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức trượt giá hằng năm như hiện nay (năm 2009 là 6,88%, năm 2010 là 11,75%) thì mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hay mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng từ năm 2009 không còn phù hợp.
Mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện tại được áp dụng từ năm 2009 nhưng những con số thì được tính toán từ năm 2006, thời điểm mà giá cả, lương đã khác xa hiện tại. So với thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính xây dựng vào năm 2006, chỉ số giá tiêu dùng hiện tại đã tăng hơn 50%.
Trước yêu cầu của thực tế, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình một số kiến nghị sửa đổi Luật thuế TNCN lên Quốc hội nhằm khắc phục những điểm bất hợp lý trong các quy định thuế TNCN hiện tại. Theo một lãnh đạo của Bộ, các quy định dự kiến sửa đổi đã được trình lên Quốc hội xem xét ngày đầu năm nay.
Theo dự kiến, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng có thể nâng lên theo hai cách: Một là điều chỉnh tăng lên mức 6 triệu đồng/tháng; hai là thu hẹp bậc chịu thuế. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng dự kiến được điều chỉnh bằng 3 lần lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thuế TNCN, để chậm nhất hết quý I/2011 sẽ tổng hợp, đánh giá các kiến nghị nhằm đưa ra phương án sửa một số điểm của luật thuế này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết: Trước kia, cơ quan soạn thảo cũng có tính tới việc trượt giá, tăng lương. Tuy nhiên, với mức độ trượt giá như hiện nay, nếu muốn giảm thuế để khoan sức dân, giảm gánh nặng cho người nộp thuế, tăng tích lũy tái tạo nguồn thu, có thể tính tới 2 cách. Đó là giảm mức thuế suất hiện hành hoặc giãn khung nộp thuế. Do đó, cách tối ưu hơn là nên mở rộng khung, vì đây cũng là một hình thức giảm thuế.
Cụ thể, thay vì quy định mức 5 triệu đến 10 triệu phải chịu thuế suất 10%, thì sửa 5 đến 20 triệu thu thuế 10%, hoặc 5 đến 30 triệu thuế 5%, cứ như vậy tăng mức lũy tiến theo từng bậc. Nếu sửa như vậy thì tỷ trọng nộp thuế trên thu nhập thực tế của người phải nộp sẽ thấp hơn nhiều so với khung cũ. Đây là phương án tối ưu quan trọng nên được tính đến khi sửa luật.