Việt Nam chính thức hòa mạng đường sắt ASEAN - Trung Quốc

05:01, 28/01/2011

Chính phủ Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia mạng đường sắt ASEAN - Trung Quốc. Dự án đường sắt xuyên quốc gia này sẽ giúp Việt Nam tách khỏi vùng biệt lập giao thông đường sắt với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chính phủ Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia mạng đường sắt ASEAN - Trung Quốc. Dự án đường sắt xuyên quốc gia này sẽ giúp Việt Nam tách khỏi vùng biệt lập giao thông đường sắt với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Sơ đồ vạch tuyến dự án đường sắt GMS
Sơ đồ vạch tuyến dự án đường sắt GMS
Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam xác nhận thông tin trên với PV Dân trí sáng nay 28/1.
 
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, các quốc gia ASEAN là Campuchia, Lào, Mianmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc đã phê chuẩn và ra tuyên bố chung về dự án đường sắt xuyên quốc gia kết nối 300 triệu dân sống quanh dòng sông Mêkông.

Dự án đường sắt xuyên 6 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mêkông (GMS) được thỏa thuận theo Luật của Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (OSRID) và khu vực ASEAN, đây còn được gọi là mạng đường sắt ASEAN - Trung Quốc hoặc đường sắt Singapore - Côn Minh sẽ được đầu tư khoảng 15,6 tỷ nhân dân tệ tương đương với 2,36 tỷ USD.
 
Cũng theo ông Doanh: “Tham gia dự án này, Việt Nam có 4 đường liên vận giao nối với mạng đường sắt ASEAN - Trung Quốc là cửa khẩu Lạng Sơn, Yên Bái (qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc); đoạn từ TPHCM qua cửa khẩu Lộc Ninh sang Campuchia; đoạn Vũng Áng - Mụ Gia (Hà Tĩnh) với Lào.
 
Dự án đường sắt ASEAN - Trung Quốc là đường sắt hỗn hợp xuyên các quốc gia Tiểu vùng sông Mêkông đã được Chính phủ Việt Nam ký kết tham gia, đoạn chạy qua Việt Nam nằm trên hành lang của đường sắt Thống Nhất hiện nay”.
 
Hiện mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia này vẫn chưa đồng nhất về khái niệm đường sắt cao tốc, nhưng theo thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc coi đây là một dự án mở, tuyến đường sắt đi qua nước nào thì nước đó phải bỏ tiền xây.
 
“Khi dự án này hoàn thành, giao thông đường sắt sẽ liên kết kinh tế của tất cả các quốc gia, liên vận hành khách và hàng hóa tốt hơn, là cơ sở liên kết các hành lang kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế ở những vùng nghèo, đặc biệt giúp Việt Nam tách khỏi vùng biệt lập giao thông đường sắt với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
 
Tuy nhiên, hiện tại khó khăn lớn nhất là vấn đề huy động vốn, Việt Nam đang vận động vay vốn của Trung Quốc để thực thi mạng đường sắt qua cửa khẩu Lộc Ninh” - ông Doanh cho hay.
 
Được biết, trong chiến lược phát triển dự án đường sắt xuyên quốc gia của GMS, đã có 4 phương án vạch tuyến được đưa ra, trong đó phương án kết nối các tuyến Bang Kok - Phnom Penh - TPHCM - Hà Nội đến Côn Minh (Trung Quốc) được giới chức của 6 quốc gia GMS đánh giá cao nhất và chọn thực thi.
 
Kỳ vọng vào dự án táo bạo này, tuyến đường sắt xuyên quốc gia ASEAN - Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Theo Dân Trí