3 sức ép với doanh nghiệp trong năm 2011

09:02, 06/02/2011

Trong năm 2011 nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các rủi ro tài chính -tiền tệ sẽ vẫn còn. TS Bùi Trường Giang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 3 bài toán chính sách trong môi trường vĩ mô trong năm 2011 cần lưu ý là: lãi suất, sức ép tỷ giá và lạm phát.

Trong năm 2011 nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các rủi ro tài chính -tiền tệ sẽ vẫn còn. TS Bùi Trường Giang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 3 bài toán chính sách trong môi trường vĩ mô trong năm 2011 cần lưu ý là: lãi suất, sức ép tỷ giá và lạm phát.

 
Để có cái nhìn xác thực trong năm 2011, các chuyên gia kinh tế đã điểm lại những điểm thiếu tích cực trong năm 2010. Theo TS. Bùi Trường Giang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong năm 2010, phối hợp chính sách vĩ mô vẫn có sự thiếu nhất quán, kích thích tâm lý bầy đàn, lao vào đầu tư bất động sản, vàng, USD, để hiện vật hoá lượng tiền mặt…

Sự thiếu nhất quán này được thể hiện rất rõ qua câu chuyện khi lãi suất cao và Chính phủ muốn hạ lãi suất. Vào hồi tháng 5/2010 Chính phủ đã đưa ra một quyết tâm là giảm mặt bằng lãi suất qua yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất, nhưng cũng trong tháng 5, Chính phủ cũng xin Quốc hội điều chỉnh lạm phát kỳ vọng, lạm phát mục tiêu là từ 7-8%. Ông Giang nhận định: “ Điều này khác gì phát tín hiệu lạm phát tăng lên mà chúng ta lại đòi hạ lãi suất , thì là điều không thể”.

Vấn đề nữa là phát hành trái phiếu trong 2010, đôi khi lãi suất phát hành trái phiếu cao hơn lãi suất huy động. Từ tháng 7 đến tháng 9 khi có lượng tiền định tung ra thị trường để tăng vốn và giảm lãi suất trên thị trường  thì  kênh trái phiếu lại hút với lãi suất khoảng 11-12%. Do đó làm vô hiệu hoá cung vốn đẩy lãi suất lên cao.

Cũng theo ông Giang, tín hiệu đầu năm nay cho thấy bài toán tỷ giá vẫn còn chịu sức ép tăng . Từ tình trạng lạm phát và thâm hụt thương mại như hiện nay thì sức ép tỷ giá trong 2011 vẫn còn. Khoảng cách tỷ giá USD thị trường tự do và lãi suất ngân hàng còn chênh khá lớn (khoảng 10%). Các cam kết của chính phủ vào sau tết sẽ điều chỉnh, do vậy đã tạo ra tâm lý đầu cơ đô la ngay trong thời điểm hiện nay.

Liên quan đến nhập siêu và tỷ giá, xuất phát từ mô hình tăng trưởng, đặc biệt là mô hình dựa vào đầu tư quá lớn, sẽ luôn dẫn đến thâm hụt kép, nghĩa là  vừa thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại, đe doạ sự phát triển bền vững ở VN.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulblright tại Việt Nam cho rằng, trong năm 2011 ba vấn đề chính là: lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ có sự biến đổi nhiều.

Trong 2010, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 25% nhưng cuối năm NHNN báo tăng 29,5% và lạm phát tăng lên 11,75%. Năm 2011 tăng trưởng tín dụng sẽ tăng khoảng 23%, thì chúng ta sẽ giảm lạm phát, nhưng nếu lặp lại như năm ngoái thì lạm phát khó giảm.

Một thách thức lớn nữa trong năm 2010 và cả 2011 là lãi suất cao. Bài toán được đặt ra là lãi suất có giảm được không?. Theo ông Thành, nếu chỉ thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát không thôi thì cũng không thể hạ lãi suất mà cần giải quyết vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng. Thực tế hiện nay cho thấy, các ngân hàng rất thiếu tính thanh khoản.

Ông Thành nhận định, trong thời gian trước mắt lãi suất sẽ khó hạ. Nhìn về cuối năm lãi suất có thể hạ nếu có chính sách thắt thắt chặt tiền tệ; giải quyết được các chính sách về thanh khoản ngân hàng; Thúc đẩy sát nhập các ngân hàng, thúc đẩy tăng vốn ngân hàng…thì mới có thể giải quyết được về lãi suất. khả năng, phải tới quý 3,4 năm 2011 lãi suất mới có thể hạ được.

Về vấn đề biến động tỷ giá, ông Thành nhận định, thách thức trong 2011 là điều chỉnh tỷ giá.  Trước đây chúng ta duy trì tỷ giá chính thức, khi thâm hụt thì tỷ giá tự do cao hơn thị trường chính thức. Mà khi đó lại không thay đổi tỷ giá khiến tỷ giá càng “nóng”. Sau đó, NHNN lại phải can thiệp bằng việc bơm USD ra để ổn định thị trường. Ổn định trong thời gian ngắn, đến thời gian cuối năm 2010 tỷ giá USD tự do đã tăng lên 21.000đồng/USD  thì không thể can thiệp nữa. Bởi, nếu bán USD ra thị trường tiếp thì sẽ dẫn đến thâm hụt dự trữ ngoại hối ( hiện Việt Nam còn khoảng 11 tỷ USD dự trữ).

Ông Thành cho rằng, giải pháp bây giờ là để tỷ giá tự do như tỷ giá chính thức. Không điều chỉnh, không can thiệp, để cho thị trường tự điều chỉnh. Có một rủi ro nữa phải tính đó là nếu bung tín dụng quá mức về ngoại tệ thì áp lực tỷ giá còn rất lớn.

Theo Vnmedia