Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong ba năm từ 2008-2010, sữa bột ở nước ta tăng giá tới 16 lần, mỗi lần tăng từ 3-10%.
Giả sử chỉ tăng giá ở mức thấp nhất là 3% thì mỗi năm giá sữa bột cũng tăng ít nhất là 16%/năm.
Nhiều năm qua, giá sữa tại Việt Nam liên tục tăng |
Giá sữa trong nước tăng liên tục trong khi giá sữa trên thị trường quốc tế như phân tích ở trên đều giảm bình quân từ 35,49% - 38,13%/năm đối với sữa bột béo và từ 28,66 - 38,13%/năm đối với sữa bột gầy. Khi giá sữa bột trên thị trường thế giới thay đổi thì giá sữa thành phẩm trên thị trường Việt Nam cũng thay đổi nhưng chỉ theo xu hướng tăng.
Trước việc giá sữa liên tục tăng trong thời gian qua, cơ quan quản lý giá của TPHCM đã tiến hành kiểm tra giá nhập khẩu và giá bán lẻ một số sản phẩm sữa bột đóng hộp nhập khẩu. Kết quả cho thấy chênh lệch giữa giá sữa trên thị trường với giá sữa nhập về có khi lên tới gần 2 lần.
Siết chặt quản lý giá sữa
Hiện Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đang phối hợp trong việc quản lý các số liệu tổng hợp chung về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan sẽ phải cung cấp chi tiết hóa số liệu về số lượng, giá sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm nhập khẩu đối với một số công ty và thương hiệu sữa bột ngoại nhập.
Trong đó, chi tiết hóa số lượng, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu (giá CIF) của các Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk); FrieslandCampina Việt Nam; TNHH Đại Tân Việt (New Viet Dairy); TNHH Xuân An.
Về số lượng, giá sữa bột thành phẩm ngoại nhập (giá CIF) thì phải chi tiết hóa số liệu liên quan tới 4 loại sản phẩm sữa gồm: Abbott do Công ty TNHH dược phẩm 3A nhập khẩu và phân phối; Mead Johnson do Công ty TNHH Tiên Tiến nhập khẩu và phân phối; Dumex do Công ty Dumex Việt Nam nhập khẩu và phân phối; XO do Công ty CP XNK Nam Dương phân phối.
Về lâu dài, Tổng cục Hải quan định kì cung cấp số liệu theo định kì vào ngày 10 và ngày 20 hằng tháng.