Sáng 24/2 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội giữa lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ với các địa phương.
Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một hiện nay
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 và rõ nhất từ đầu năm 2011, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao.
Trong nước, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế giá thị trường buộc phải điều chỉnh tăng…
Tình hình này đã làm giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Vì vậy, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.
Với tinh thần này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với 7 nhóm giải pháp chủ yếu như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội …
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay, ưu tiên nhất quán của Chính phủ, kiềm chế được lạm phát sẽ mang lại hiệu quả cho đời sống, cho tăng trưởng, cho ổn định kinh tế vĩ mô, cho phát triển bền vững…
Theo Phó Thủ tướng việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước... theo tinh thần Nghị quyết không nhằm vào tiền lương, các đối tượng chính sách xã hội, các khoản cho sinh viên vay đi học... mà nhằm vào việc tạm dừng mua sắm các trang thiết bị mới; giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thực sự cấp bách; giảm tối đa chi phí cho hội nghị, hội thảo...
Tại Hội nghị lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đều khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện cơ chế phối hợp; thông tin tuyên truyền; quán triệt; đề ra các kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết; đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chính phủ đề ra trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đề nghị các các địa phương có những biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm minh các vi phạm về kinh doanh ngoại hối, đi đôi với đó là việc quản lý chặt hoạt động kinh doanh vàng.
Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành cũng như các nội dung của Nghị quyết, lãnh đạo các địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... khẳng định sẽ thực hiện tốt cơ chế giám sát, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời đề nghị Chính phủ có những chính sách quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng, lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao.
Điều chỉnh giá điện, xăng dầu là cần thiết
Làm rõ về việc trong điều kiện lạm phát tăng cao vẫn đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là cần thiết. Chúng đa đang thực hiện chính sách về giá cả thị trường, trong nền kinh tế thị trường, giá cả là thước đo, nếu đi được theo giá thị trường, sẽ rao ra sự hạch toán kinh tế lành mạnh, tránh sự hạch toán méo mó của nền kinh tế. Hiện nay, giá điện, xăng dầu vẫn chưa đi theo giá thị trường mà chúng ta mới chỉ đang thực hiện theo lỗ trình giá thị trường.
Điện không đi theo giá thị trường, giá điện thấp đã không thu hút được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành... dẫn đến tình trạng thiếu điện, gây hậu quả tiêu cực tới tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; không khuyến khích đầu tư. Mặt khác, giá điện thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành nghề khác tiếp tục sử dụng không nghệ lạc hậu, sử dụng điện lãng phí, không khuyến khích tiết kiệm điện.
Về giá xăng dầu, giá xăng dầu trong thời gian dài ở mức giá trên 16.000 đồng/lít, đây là mức giá chênh lệch tới 1/3 lần so với mức giá từ 24.000-26.000 đồng/lít ở Thái Lan, Lào, Trung Quốc… Điều này cũng gây ra các tác hại như tiêu dùng nhiều, không khuyến khích tiết kiệm; bên cạnh đó, do giá xăng dầu thấp, theo nguyên lý “nước chảy chỗ trũng” nên xăng dầu sẽ bị xuất lậu sang các nước láng giềng trong khi Việt Nam còn phải nhập khẩu xăng dầu.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu lần này với nguyên tắc là nhà nước vẫn chưa thu thuế, vẫn để ở mức thuế cơ bản là 0%, người kinh doanh xăng dầu chưa có lãi. Hiện nhà nước tạm lùi về thuế, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm lùi về lãi. “Đồng thời với việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu; nhà nước sẽ thực hiện chủ trương hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thu nhập thấp,” Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Ninh, tính đến hết tháng 2/2010 ngành điện đã lỗ gần 28.000 tỷ, nếu tính đến hết năm 2011 số lỗ này lên tới gần 57.000 tỷ, điều này làm nền kinh tế không thể chịu đựng, ngành điện không thể hoạt động. Nếu điều chỉnh lần này đảm bảo cho ngành điện có lãi, thì phải điều chỉnh tăng 62% tương đương tăng hơn 600 đồng/kwh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Ninh, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, nếu tiếp tục duy trì giá xăng dầu như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng lỗ rất lớn. Nếu điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới, Việt Nam phải tăng giá xăng từ 34-40% so với giá hiện hành. Hiện tăng giá xăng từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít (tăng 2.900 đồng/lít), mức giá này cũng mới chỉ bằng 44% so với mức giá phải điều chỉnh...
Tập trung mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tình hình hiện nay đặt ra nhiệm vụ cho cả nước phải tập trung sức bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm được điều này sẽ duy trì được sản xuất, được an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả Việt Nam.
Theo Thủ tướng, để thực hiện được nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, ngành phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm chính trị cao, trước hết phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; kiểm soát được tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%, đồng thời dành tính dụng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác trên nguyên tắc điều hành minh bạch, cụ thể. Cùng với việc kiềm chế lạm phát, phải giảm dần lãi suất theo hướng hợp lý, coi lãi suất là một trong những công cụ để kiềm chế lạm phát.
Điều hành tỷ giá ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỷ giá theo quy định, không để thả nổi tỷ giá; không để cho thị trường chợ đen chi phối, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này và trên thực tế năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn song chúng ta đã làm được việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Ngay sau hội nghị này, các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước phải bán tất cả các ngoại tệ có được cho ngân hàng, khi có nhu cầu, các ngân hàng phải đảm bảo bán cho doanh nghiệp theo đúng giá quy định, Thủ tướng chỉ đạo.
Về thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải thực hiện được mục tiêu tăng thu từ 7-8%, tiết kiệm chi tiêu 10%; dứt khoát phải giảm bội chi xuống dưới 5%; coi giảm bộ chi là giảm cầu, làm giảm lạm phát. Bên cạnh đó không ứng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án kéo dài, không cấp bách để bổ sung cho các dự án ưu tiên hoàn thành trong năm 2011.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với mức giá nông sản tăng cao cũng là thời điểm tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hạn chế tối đa các mặt hàng nhập khẩu trong nước có thể sản xuất được, giảm nhập siêu cũng làm môt trong những giải pháp giảm bớt tình trạng căng thẳng về tỷ giá.
Khẳng định việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc không thể không làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng và địa phương thực hiện việc bù hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo theo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết, tuyên truyền về những thuận lợi cũng như những khó khăn để nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng phải trình bày rõ những kế hoạch hành động của mình trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực của Bộ mình phụ trách cho người dân hiểu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành cần làm tốt công tác kiểm soát giá, không để đầu cơ đẩy giá lên cao nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, xăng dầu, sữa... đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện tốt chính công tác quản lý ngoại hối, thị trường vàng…/.